Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, người đang thực hiện xuất khẩu chuối sang các thị trường mới.
Lần đầu tiên sau nhiều năm kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm đến 11,4% so với cùng kỳ. Song, ngành rau quả kỳ vọng xuất khẩu rau quả sẽ tăng trở lại khi Việt Nam mở được nhiều thị trường mới.
Trung tuần tháng 6/2020, vải thiều chính thức có mặt trong hệ thống siêu thị tại Nhật Bản, Singapore. Trái chuối Việt Nam cũng lần đầu tiên có mặt tại thị trường bán lẻ Hàn Quốc. Trên 2.400 ha nhãn của tỉnh Sơn La đã được cấp 92 mã số vùng, trong đó có 34 mã số vùng trồng xuất sang các nước Mỹ, Úc và 58 mã số xuất khẩu sang Trung Quốc…Đó là những tính hiệu tích cực cho ngành rau quả Việt Nam thời gian gần đây.
Vai trò của các tham tán thương mại
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 6/2020 đạt 300 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng 6/2019. Lũy kế, xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Về thị trường, số liệu tập hợp đến 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 60,4% thị phần, trị giá 906,1 triệu USD, giảm 30,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 1,3 tỷ USD).
Tuy nhiên xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường khác ghi nhận mức tăng trưởng cao như: Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4% so với cùng kỳ năm 2019; Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,9%; Hoa Kỳ đạt 62 triệu USD, tăng 6,2%; Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, tăng 15,7%...
Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng ở nhiều thị trường song vẫn chưa thể bù vào phần sụt giảm ở thị trường số 1 là Trung Quốc. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc mở mới, đa dạng các điểm đến để tránh tập trung vào một thị trường như hiện nay.
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, hiện các thị trường nhập khẩu trái cây đều đang bị Covid-19 làm suy yếu sức mua, như Trung Quốc bị giảm xuất khẩu nhiều loại trái cây nên phải tăng tiêu thụ nội địa, vì vậy mà sức mua của thị trường này bị giảm hơn 30%.
Đối với việc mở mới thị trường, bây giờ không phải là lúc để doanh nghiệp tự bươn chải mà là thời kỳ của các tham tán thương mại, các sứ quán Việt Nam tại các nước làm việc để hỗ trợ doanh nghiệp.
Việt Nam đã có quan hệ với hơn 100 nước trên thế giới. Chỉ cần 100 vị tham tán trong mối quan hệ này tìm thị trường giúp doanh nghiệp vẫn tốt hơn là để doanh nghiệp tự tìm hiểu; và sẽ tốt hơn nữa nếu đơn vị xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tham tán thương mại phối hợp phát triển thị trường mới.
“Bây giờ khả năng doanh nghiệp đi tìm hiểu sức mua, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường thì không thể làm nổi. Trong khi đó, tham tán thương mại làm việc lâu năm tại đất nước họ công tác, đã hiểu rõ về tập quán tiêu dùng, văn hóa mua bán của người dân sở tại sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp rất nhiều trong việc mở cửa các thị trường”, ông Huy nói.
Có nhiều tính hiệu lạc quan
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành rau quả liên tiếp nhận tin vui như việc trái chuối của Việt Nam đã chính thức vào hệ thống Lotte Mart của Hàn Quốc; quả vải của Hải Dương và Bắc Giang đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ…
Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ cũng rất ưa chuộng thanh long, vải, chôm chôm của Việt Nam; trái nhãn Sơn La cũng cấp mã vùng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới...
Thực ra từ năm 2014, trái chuối Việt Nam đã xuất khẩu sang Hàn Quốc nhưng chỉ mang tính thăm dò, nên thời điểm đó chuối Việt Nam chưa được đưa vào các hệ thống siêu thị lớn. Nhưng những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Hàn Quốc có sự chuyển biến đáng kể.
Nếu năm 2015 chỉ xuất được khoảng 180 tấn chuối, trị giá 132.000 USD thì đến năm 2019 đã xuất khẩu được 6.685 tấn, đạt 4,2 triệu USD. Có được kết quả trên là trong thời gian qua các doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với doanh nghiệp Hàn Quốc và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc nghiên cứu, cải thiện giống chuối, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và đóng gói cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Hàn Quốc.
Việt Nam đang là nguồn cung chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020, đạt 2,6 nghìn tấn, trị giá 1,6 triệu USD, giảm 27,1% về lượng và giảm 33% về trị giá so với 5 tháng năm 2019. Thị phần chuối của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm nhẹ trong 5 tháng đầu năm 2020.
Bên cạnh xuất khẩu chuối theo phương thức trước đây thì việc hệ thống Lotte Mart phân phối sản phẩm chuối của Việt Nam tại chuỗi siêu thị Lotte ở Hàn Quốc sẽ là cơ hội lớn để trái chuối của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường có quy mô nhập khẩu chuối lên tới 300 triệu USD/năm.
“Sau nhiều năm xuất khẩu thành công thương hiệu chuối Fohla được thu hoạch từ trang trại của công ty sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cung cấp nội địa tôi đã rút được kinh nghiệm là phải tuyệt đối đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc với khách hàng”, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết.