Ngày 13/2, Nghị viện châu Âu đã thông qua hai hiệp định ký kết với Việt Nam, là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).
Theo dự kiến, nếu được Quốc hội Việt Nam thông qua tại Kỳ họp sắp tới diễn ra vào tháng 5/2020 thì các hiệp định trên sẽ chính thức có hiệu lực (sau khi hoàn tất các thủ tục cuối cùng).
Trong rất nhiều lợi ích có được từ các cam kết của hai bên thông qua Hiệp định này phải kể đến lợi ích kinh tế-thương mại và xuất nhập khẩu là rất lớn. Bởi, Liên minh châu Âu (EU) với 27 quốc gia thành viên là một thị trường vô cùng lớn với quy mô lên tới 18.000 tỷ USD, nhưng thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU mới chỉ đạt khoảng 41,5 tỷ USD trong năm 2019.
Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, việc cắt giảm gần như 100% dòng thuế về 0% (theo lộ trình) sẽ tạo ra cơ hội xuất khẩu mạnh hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, cũng như là điều kiện để hàng hóa Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh về mặt giá cả so với các mặt hàng cùng loại mà EU nhập khẩu từ các quốc gia khác - đang có ưu đãi thuế nhiều hơn chúng ta.
Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị trước khi EVFTA có hiệu lực.
- Hiệp định EVFTA vừa chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua, vậy theo ông hiệp định sẽ đem lại những cơ hội và thách thức nào?
Tiến sỹ Võ Trí Thành:Đây là một hiệp định hai bên cùng được, cùng thắng, song từ phía Việt Nam chúng ta cũng kỳ vọng hiệp định sẽ mở ra rất nhiều cơ hội.
Rõ rệt nhất có thể thấy chính là cơ hội để đẩy mạnh thương mại đặc biệt là xuất khẩu cùng với rất nhiều hoạt động kinh doanh khác của nền kinh tế, tiếp đến là thu hút đầu tư nhất là thu hút đầu tư có chất lượng khi Việt Nam chuyển đổi thu hút đầu tư chiến lược trong việc thu hút nguồn vốn FDI, từ số lượng sang chất lượng.
Một cơ hội nữa đó là EVFTA cùng hiệp định CPTPP và các FTA khác là chất xúc tác để Việt Nam cải cách, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nói rộng hơn là cải cách thể chế.
Ngoài ra, trong bối cảnh thế giới rất bất định và rất nhiều cú sốc từ bên ngoài như hiện nay, thì EVFTA là một hiệp định giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác và thị trường.
- Để đạt được các lợi thế như vậy sẽ còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt hiệp định sẽ chờ để phía Quốc hội Việt Nam thông qua và dự kiến hiệp định sẽ sớm được thực thi, vậy theo ông các công việc sắp tới sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
Ngay từ khi đàm phán kết thúc vào khoảng đầu năm 2016, Việt Nam đã bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, cùng với tiến trình tiếp tục đàm phán đi đến việc ký kết, phê chuẩn như thời gian gần đây chúng ta chứng kiến.
Công tác chuẩn bị này có nhiều cấp độ, từ Chính phủ, các bộ ngành và báo cáo Quốc hội để phê chuẩn, thông qua để thực thi… nghĩa là cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với đó là việc sửa đổi các văn bản pháp lý cho phù hợp với hiệp định.
Đơn cử như thay đổi luật lao động mới đây nhằm đáp ứng các điểm quan trọng trong công ước về lao động của tổ chức ILO, hay việc thông tin, tuyên truyền về hiệp định để mọi đối tượng có thể cập nhật và nắm bắt.
Mặc dù công đoạn chuẩn bị đã tốt, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều công việc và phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp…, song từ nay đến lúc báo cáo với Quốc hội thì quá trình vẫn phải tiếp tục và việc giải trình trước Quốc hội đòi hỏi phải sát với những yêu cầu thực tiễn đưa ra.
- Vậy theo ông từ phía các cơ quan chức năng sẽ cần chuẩn bị những thủ tục gì để Quốc hội thông qua thời gian tới?
Có nhiều công việc, song đầu tiên cần phải đánh giá để mọi người hiểu thật rõ những nội dung cơ bản, quan trọng và gắn với đó là những tác động có thể đối với nền kinh tế, xã hội? những cơ hội thuận lợi kể cả khó khăn, thách thức có thể xảy ra để từ đó có những giải pháp khắc phục và sau rất nhiều trường hợp thì có thể đo lượng được dù có thể chưa hoàn hảo
Một điểm nữa rất quan trọng, đó là việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cũng như thể chế kinh tế của Việt Nam. Bởi EVFTA là một chất xúc tác rất quan trọng để thúc đẩy cải cách thể chế, không phải chỉ là quá trình thay đổi khung khổ pháp lý đáp ứng với tiêu chuẩn cam kết hay những tiêu chuẩn mà hiệp định đòi hỏi mà còn là quá trình để Việt Nam xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hiện đại, hội nhập.
Kể cả việc tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân nắm bắt và có ứng xử phù hợp cũng như vận dụng tốt nhất những cơ hội mà EVFTA mang lại...
- Theo ông đâu là những lưu ý đối với doanh nghiệp và người dân khi hiệp định được thực thi?
Chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác quan trọng, song để Chiến lược hội nhập lan tỏa, hiện thực hóa được vào cuộc sống đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp là cả một quá trình.
Điểm đầu tiên theo tôi chính là nhận thức, việc này liên quan đến công tác truyền thông, thông tin, kinh nghiệm và trải nghiệm của chính chúng ta thậm chí là doanh nghiệp, người dân thời gian qua.
Một điểm tích cực phải nhấn mạnh, Việt Nam muốn phát triển, doanh nghiệp Việt muốn lớn lên làm ăn phát triển bền vững thì không còn con đường nào khác chính là hội nhập, mặc dù hội nhập có rất nhiều thách thức và không ít rủi ro cả ở tầm nền kinh tế, ngành hàng, sản phẩm, song đây là điều rất quan trọng mà chúng ta phải nhìn nhận để vượt qua.
Bên cạnh đó, EVFTA là một hiệp định chất lượng rất cao, song để tận dụng các cơ hội cần trải qua nhiều công đoạn, trong các công đoạn ấy thì việc hiểu biết và tuân thủ để vượt qua các chi phí tuân thủ là một điều không đơn giản, từ nguyên tắc xuất xứ, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật hay đáp ứng về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…
Hơn nữa, để đạt được các lợi ích về thuế cũng cần phải biết được thị trường ra sao, hiểu được các kênh phân phối, đây không chỉ là tiêu chuẩn ở hiệp định đặt ra mà chúng ta muốn tham gia vào chuỗi giá trị và các nhà đầu tư có chất lượng thì chúng ta còn phải đáp ứng cả các tiêu chuẩn có những nhà đầu tư đó và đây sẽ là những thách thức nữa… việc thay đổi cần cả từ Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp…
Cuối cùng để hiện thực hóa, bên cạnh hiệu quả kinh tế thì cần lưu ý nhưng yêu cầu mà hiệp đinh này đòi hỏi đó là doanh nghiệp phải có trách nhiệm rất cao về mặt môi trường hay phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội tức là vấn đề đối với con người, lao động…
- Xin cảm ơn ông.
Theo Vietnam+