Bất chấp dịch COVID-19 hoành hành, thịt thú rừng vẫn hút hàng ở Trung Quốc

Thứ hai, 17/02/2020, 10:11
Trong hai tuần qua, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích vào hàng loạt căn hộ, nhà hàng, chợ trời toàn quốc, bắt gần 700 người vi phạm lệnh cấm tạm thời không cho phép bắt, bán hoặc ăn thịt động vật hoang dã.

Bức ảnh chụp vào ngày 15.1 cho thấy một người bán thịt bò Tây Tạng tại một khu chợ ở thủ đô Bắc Kinh

Trong chiến dịch truy quét, cảnh sát Trung Quốc tịch thu gần 40.000 động vật bao gồm sóc, chồn và lợn rừng. Điều này cho thấy sở thích ăn thịt động vật hoang dã và sử dụng các bộ phận động vật hoang dã làm thuốc không thể biến mất nhanh chóng, bất kể dịch COVID-19 hoành hành.

Hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của virus Corona chủng mới gây dịch COVID-19 xuất phát từ đâu. Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng virus chết người này xuất phát chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), nơi có bán dơi, rắn, cầy hương và các động vật hoang dã khác.

Tính đến ngày 16.2 đã có 1.665 người tử vong vì dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đại lục kể từ khi virus Corona chủng mới bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 12.2019, theo AFP. Hơn 68.500 người đã bị nhiễm bệnh và hầu hết những trường hợp tử vong xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc.

Hồi tháng 1, chính phủ Trung Quốc tuyên bố tạm thời đóng cửa tất cả các chợ bán động vật hoang dã, cảnh báo rằng việc tiêu thụ thịt rừng là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Chính phủ Trung Quốc sẽ siết chặt luật về buôn bán động vật hoang dã trong năm nay, theo Tân Hoa Xã.

Đầu con nai tươi sống được bày bán ở khu chợ chuyên bán thịt rừng ở thủ đô Bắc Kinh

Tuy nhiên, biện pháp này lẫn dịch COVID-19 hoành hành không đủ để thay đổi quan điểm của nhiều người, bắt nguồn từ nền văn hóa và lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. "Trong mắt nhiều người, động vật sống vì con người chứ không phải bình đẳng cùng con người”, ông Wang Song, một nhà nghiên cứu nghỉ hưu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết.

Các tiểu thương bán hợp pháp thịt lừa, chó, hươu, cá sấu và các loại thịt khác cho rằng họ có kế hoạch quay trở lại kinh doanh ngay khi lệnh cấm tạm thời kết thúc. Gong Jian, một người bán thịt rừng trực tuyến, cho Reuters biết: "Nhiều người thích thịt rừng. Họ mua cho mình để ăn, thết đãi hoặc tặng quà để giữ thể diện. Tôi đang trữ số lượng lớn thịt cá sấu và thịt nai trong tủ đông lớn, chờ ngày lệnh cấm tạm thời kết thúc”.

Trên mạng xã hội Weibo, nhiều học giả, nhà môi trường và giới trẻ ở Trung Quốc kêu gọi cấm vĩnh viễn buôn bán động vật hoang dã và đóng cửa những khu chợ bán thịt rừng. Tuy nhiên, đại đa số người dân Trung Quốc vẫn thích ăn thịt động vật hoang dã vì tin rằng nó tốt cho sức khỏe.

Chính phủ hỗ trợ nuôi động vật hoang dã

Sau đợt bùng phát dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), chính phủ Trung Quốc đã tăng cường quản lý hoạt động mua bán động vật hoang dã, nhưng cấp giấy phép cho trang trại nuôi và bán hợp pháp 54 động vật hoang dã bao gồm cầy hương, rùa và cá sấu, nhân giống những loài có nguy cơ tuyệt chủng bao gồm gấu, hổ và tê tê.
Theo báo cáo chính phủ Trung Quốc năm 2016, các hoạt động nuôi và động vật hoang dã hợp tác mang đến doanh thu 20 tỉ USD/năm.
Phần lớn cơ sở nuôi và bán động vật hoang dã nằm ở các vùng nông thôn nghèo và thậm chí chính quyền địa phương xem đây là động lực thúc đẩy cho nền kinh tế. Các chương trình truyền hình thường xuyên phát sóng tấm gương nông dân “thành công” trong việc nuôi các động vật hoang dã.
Tuy nhiên, các trang trại ở Trung Quốc được cấp giấy phép kinh doanh bị tố là vỏ bọc cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
1,7 triệu virus vẫn chưa được phát hiện trong động vật hoang dã
“Việc mua bán thịt rừng tràn lan cộng với sự xâm lấn của con người vào môi trường hoang dã ngày gia tăng đưa con người tiếp xúc gần hơn với những loại virus chết người”, theo ông Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ toàn cầu chuyên về phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Báo cáo của EcoHealth Alliance ước tính có 1,7 triệu virus vẫn chưa được phát hiện trong động vật hoang dã, gần một nửa trong số đó gây hại cho con người.
Ông Daszak cho biết nghiên cứu mới đây của EcoHealth Alliance chỉ ra rằng có khoảng 5 mầm bệnh mới lây nhiễm từ động vật sang con người mỗi năm. "Trong tương lai những đợt dịch bệnh sẽ bùng phát thường xuyên hơn nếu con người tiếp tục tiêu thụ thịt rừng", ông Daszak nói.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn