|
Cùng với việc Trung Quốc bắt đầu áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật khiến cho xuất khẩu sắn khó chồng khó. Dự báo, xuất khẩu tinh bột sắn có thể sẽ trầm lắng cho tới hết quý I/2020.
Phân loại sắn công nghiệp và sắn thực phẩm
Theo số liệu thông kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2020 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 430.220 tấn, trị giá 117, 250 triệu USD, tăng 32,56% về khối lượng và tăng 3,67% về kim ngạch so với tháng 12/2019. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 47,84% về khối lượng và tăng 13,83% về giá trị.
Tổng sản lượng tinh bột sắn của Việt Nam hiện đạt khoảng 2,3 triệu tấn/năm, riêng tỉnh Tây Ninh có khoảng 800.000 tấn/năm, chiếm 1/3 tổng sản lượng cả nước, trong đó 80% là xuất đi Trung Quốc.
Thời gian qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn do Trung Quốc thường xuyên thay đổi chính sách cũng như nhu cầu nhập khẩu, nhất là hiện nay thị trường này đang bị dịch bệnh Covid–19 hoành hành thì xuất khẩu sắn càng khó khăn hơn.
“Xuất khẩu sắn cũng chịu chung số phận như các các loại nông sản khác nhưng có phần đỡ hơn, vì doanh nghiệp có thể trữ lại trong 6 tháng chờ qua mùa dịch, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn thì nguy cơ có thể xảy ra”, ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết.
Trước đây, Trung Quốc không phân loại sắn nhập khẩu, nhưng từ cuối năm 2019 họ bắt đầu phân thành 2 loại: sắn công nghiệp và sắn thực phẩm. Vì vậy, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT đã có những chương trình tập huấn để các doanh nghiệp nắm được tình hình chung của thị trường.
Xuất khẩu sắn thực phẩm tuy có giá tốt hơn sắn công nghiệp nhưng chịu sự kiểm soát rất khắt khe về an toàn thực phẩm khiến cho xuất khẩu sắn vào Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn và buộc doanh nghiệp phải đầu tư thay đổi công nghệ để phù hợp với yêu cầu mới.
Theo ông Trong, Trung Quốc phân loại sắn nhập khẩu làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn lớn, vì với sắn thực phẩm, họ đặt nặng vấn đề an toàn thực phẩm và sẽ sang Việt Nam kiểm soát kho bãi, kiểm tra dây chuyền sản xuất, các tiêu chuẩn về các thiết bị, công nghệ trong nhà máy cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trước đây, có một số doanh nghiệp đã thay đổi công nghệ, giờ chỉ cần chuẩn hóa một số chứng nhận sẽ đáp ứng được yêu cầu, nhưng cũng có một số doanh nghiệp do gặp khó khăn về thị trường và nguyên liệu nên chưa kịp chuyển đổi phải chuyển qua làm sắn công nghiệp.
Mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2023, quá khó
Bộ Công Thương cho biết, từ tháng 12/2019, Trung Quốc áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu Nà Nưa (Lạng Sơn). Cụ thể, Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu tinh bột sắn từ mức 180 NDT/tấn lên 280 NDT/tấn.
Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thuế VAT với tinh bột sắn nhập khẩu chính ngạch từ 13% xuống còn 10% trong năm 2020 nhằm tăng lượng nhập khẩu chính ngạch, khiến cho giá tinh bột sắn xuất qua khu vực biên mậu trở nên kém cạnh tranh hơn.
Trong năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam, chiếm trên 89% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, với khối lượng xuất khẩu đạt 2,26 triệu tấn, tương đương 864,03 triệu USD, tăng 5,4% về khối lượng và tăng 2,3% về giá trị so với năm 2018. Tuy nhiên, giá xuất khẩu giảm 2,9%, đạt trung bình 381,7 USD/tấn.
Nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc từ Việt Nam đang có xu hướng giảm. Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu khiến cho xuất khẩu sắn sang thị trường này ngày càng khó khăn thêm.
“Tôi không biết giá sắn xuất khẩu sẽ lên như thế nào nhưng với tình hình hiện nay thì 2 tỷ USD vào năm 2023 là quá khó. Năm 2019, xuất khẩu chưa được 1 tỷ USD, còn 3 năm nữa làm sao xuất khẩu sắn có thể tăng thêm 1 tỷ USD, nhất là trong điều kiện thị trường Trung Quốc khó khăn như hiện nay”, ông Trong nói.
Theo BizLive