|
Theo ghi nhận lúc 21h ngày 10/2, phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) vẫn đủ không gian cho ôtô và nhiều xe máy cùng dễ dàng lưu thông. Đây được coi là khung cảnh khác lạ, vì Bùi Viện vốn là khu phố nhộn nhịp bậc nhất của TP.HCM về đêm với lượng khách tham quan đông nghịt.
|
Nhiều quán nhậu bình dân ở đây không có khách, trong khi một số nơi may mắn chỉ lấp đầy 1-2 bàn. Theo một số nhân viên và người giữ xe, tình trạng này đã diễn ra trong khoảng 2 tuần nay, từ thời điểm Việt Nam công bố có dịch nCoV.
|
Ngay cả ở những quán bar nổi tiếng, lượng nhân viên phục vụ vẫn nhiều hơn khách hàng. "Thời điểm ngay sau Tết vốn là lúc người dân tụ tập ăn mừng sau khi trở lại TP, nhưng ảnh hưởng từ Nghị định 100 rồi đến dịch bệnh khiến quán ế ẩm triền miên", một nhân viên chia sẻ.
|
Tuy nhiên, theo anh Daniel Byrne và bạn gái, Helen Watson (du khách Anh), hai khách hàng hiếm hoi của một quán nhậu ở Bùi Viện, dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến chuyến du lịch của họ. "Tôi nghĩ miễn là chúng ta có chế độ sinh hoạt, tập luyện và dinh dưỡng khoa học thì không cần lo lắng nhiều về virus corona. Tại sao phải hạn chế ra ngoài ăn uống chứ?", anh nói.
|
Cùng thời điểm đó, Hồ Con Rùa (quận 3), điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ và du khách ở TP.HCM, cũng vắng vẻ lạ thường.
|
Lượng khách tham quan và ăn uống sụt giảm rõ rệt nên nhiều người bán hàng rong trong khu vực này đành buôn chuyện phiếm thay vì tất bật pha chế, phục vụ như trước đây. Cô Nguyệt (áo đen) chia sẻ, dù chỉ còn bán được vài trăm nghìn đồng mỗi đêm nhưng cô cũng không niềm nở chào mời khách vì sợ tiếp xúc nguồn bệnh.
|
Trong khi đó, cô Su và một số tiểu thương xung quanh cho biết chỉ bán bằng 20% so với những ngày trước Tết. "Tôi nghĩ một phần là do chính quyền dẹp bớt hàng rong, kiểm soát xe máy đỗ tự do quanh hồ, nhưng chủ yếu vẫn là người ta sợ nhiễm bệnh. Đến chợ mua đồ ăn hàng ngày còn vắng thì hoạt động vui chơi ở ngoài này chắc chắn giảm mạnh rồi", cô nhận định.
|
Anh Tuấn (28 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho biết gần đây có ý thức giữ gìn sức khỏe và hạn chế ra đường hơn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng anh vẫn muốn ra ngoài trò chuyện, hóng gió để giảm bớt tâm lý lo ngại. "Chỉ khi ngồi chung với bạn bè thân thiết, xung quanh không quá đông người như thế này thì tôi mới dám bỏ khẩu trang", anh nói.
|
Dù không chịu thiệt hại kép như các quán nhậu, mô hình cà phê cũng gặp khó khăn vì người dân hạn chế đến không gian đông người, chật hẹp. Từ khi xảy ra dịch bệnh, quán cà phê nổi tiếng cho giới trẻ trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) này giảm hẳn 30% lượng khách so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Chia sẻ với PV, anh Thanh Tùng - chủ quán cho biết doanh số mỗi ngày giảm khoảng 30-60%. "Trung bình chúng tôi thu về 10 triệu đồng mỗi ngày, nhưng thứ 5 tuần trước thậm chí chỉ còn 4 triệu đồng. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào tăng 10-15%, còn lương nhân viên vẫn phải duy trì, thậm chí những ngày Tết tăng gấp 3-4 lần", anh kể.
|
Theo quan sát của anh, khách hàng còn đến quán là những người tương đối yên tâm về vấn đề dịch bệnh, bởi quán cũng chủ động phát miễn phí khẩu trang, vitamin C và nước rửa tay. Mặc dù vậy, quán chủ yếu nhắm đến đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên nên việc kéo dài thời gian nghỉ Tết của các trường học gây ảnh hưởng không nhỏ.
|
Tuy nhiên, nhờ việc mở rộng thêm kinh doanh nước rửa tay, anh cho biết đã phần nào bù đắp được lượng doanh thu giảm sút ở mảng F&B. Đến nay, anh đã bán hết hơn 3.000 sản phẩm, với lợi nhuận khoảng 2.000-3.000 đồng/chai. "Tôi nghĩ nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì các hàng quán buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, hoặc không sẽ sớm đóng cửa, vì ít nhất quý I này không thể đảm bảo các chỉ số kinh doanh được", anh nhận định.
Theo Zing