Chủ tịch Vietnam Airlines: “Chúng tôi đang gặp khủng hoảng lớn do dịch Covid-19”

Thứ sáu, 21/02/2020, 10:36
Dự báo Vietnam Airlines sẽ bị ảnh hưởng đến cuối tháng 5, đầu tháng 6. Nếu dịch còn kéo dài thì tình hình của doanh nghiệp còn nghiêm trọng hơn rất nhiều, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines nói.

Ngày 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Chinh phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tại buổi làm việc, đại diện các Tập đoàn, Tổng Công ty đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra.

Hàng không là ngành được dự báo là chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh này do sụt giảm của lượng khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa ở hầu hết các chặng bay. Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị này.

“Lượng khách đi nước ngoài từ Việt Nam giảm trung bình 50% so với cùng kỳ. Lượng khách trong nước giảm trên dưới 50%. Các khu vực Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông giảm 80-100%. Khách từ Nhật Bản đang lao dốc mạnh, giờ giảm 50% nhưng thời gian tới có thể giảm 70%”, ông Phạm Ngọc Minh cho hay.

Đồng thời, ông Minh cũng cho biết, trên cơ sở những phân tích, dự báo về dịch bệnh, doanh nghiệp đã tính đến các phương án cắt giảm quy mô, thu hẹp quy mô sản xuất, tái cấu trúc nguồn lực để phù hợp với hoàn cảnh.

“Chúng tôi đã đưa ra 3 kịch bản khác nhau về tình hình dịch bệnh, trong đó dự báo sẽ bị ảnh hưởng đến cuối tháng 5, đầu tháng 6. Nếu dịch còn kéo dài thì tình hình của doanh nghiệp còn nghiêm trọng hơn rất nhiều”, ông Minh nói.

Theo đó, ông Minh đưa ra kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, có cơ chế giảm thuế nhập khẩu, thuế môi trường đối với nhiên liệu của máy bay trong thời gian có dịch; xem xét lùi thời gian nộp các khoản ngân sách trong thời gian dịch bệnh để cân đối nguồn lực, kiến nghị các bộ, ngành nới lỏng chính sách visa để thu hút du khách, hỗ trợ du lịch.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam từng cho biết, thị trường Trung Quốc chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế, việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc khiến các hãng có thể mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng. Cộng với doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa cũng như chi phí liên quan việc hoàn trả vé, hủy vé, vệ sinh phòng dịch...

“Sơ bộ cho thấy thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng”, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra con số.

Ngoài ra, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đề cập đến những vướng mắc về thủ tục trong phê duyệt dự án đầu tư. Cụ thể, Vietnam Airlines đã trình phương án đầu tư máy bay 2 năm nay, nhưng UBND thành phố Hà Nội chưa trình được lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Thời kỳ trước, từ lúc chúng tôi lập dự án đến lúc trình Thường trực Chính phủ, dài nhất là mất 6 tháng, ngắn nhất là 3 tuần. Còn bây giờ trình 2 năm rồi không thấy chỗ nào cả”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.

Một ví dụ khác được lãnh đạo Vietnam Airlines dẫn chứng liên quan đến vướng mắc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng ở khu vực sân bay. Vietnam Airlines đã lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay từ 2010, nhưng đến nay dự án đã “xuyên thập kỉ” mà không được cấp giấy phép xây dựng. Vietnam Airlines đã hỏi từ UBND thành phố Hà Nội, cho đến Bộ Xây dựng, rồi nhiều cơ quan khác nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn