Sáng 10/8, báo cáo một số vấn đề lớn cần xin ý kiến cho dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nói thường trực cơ quan này đề nghị bổ sung "thời kỳ chuyển tiếp" trong thực hiện nội dung luật này.
Trước đó, Bộ Công an - Ban soạn thảo dự luật, khẳng định đảm bảo điều kiện bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý theo số định danh cá nhân, từ tháng 7/2021.
Tuy nhiên, trong phiên họp hôm nay, lãnh đạo Uỷ ban pháp luật của Quốc hội cho rằng nên để cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú (bao gồm cả sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp) trong các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là tại những nơi chưa đáp ứng được hạ tầng kết nối với các cơ sở dữ liệu nói trên cho đến hết ngày 31/12/2025.
Trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, ở những nơi đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hệ thống các Cơ sở dữ liệu quốc gia thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú (sổ hộ khẩu giấy) khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo những vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Cư trú sửa đổi, sáng 10/8. Ảnh: Hải Ninh
Giải thích đề nghị trên, ông Tùng cho biết, nhiều thành viên Uỷ ban pháp luật của Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý bằng số định danh cá nhân thay cho hộ khẩu giấy.
"Từ nay đến khi Luật dự kiến có hiệu lực (1/7/2021), chỉ còn một năm, không đủ thời gian để hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân, đảm bảo vận hành ngay trên thực tế", ông Tùng nói.
Theo ông, đến nay một số địa phương chưa thu thập đủ phiếu thông tin về dân cư; một số phiếu đã thu thập nhưng còn sai sót, thiếu thông tin, hoặc chưa đạt yêu cầu; việc trang bị máy tính, cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ cho công an cấp xã để thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế...
Đơn cử, TP.HCM mới chỉ thu thập thông tin dân cư thường trú nhưng số phiếu sai sót là hơn 67.000 phiếu (chiếm 2,2%). Khảo sát tại các địa phương đều cho thấy việc trang bị cho mỗi xã, phường, thị trấn một máy tính để làm việc là không đủ. Quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, để nhập dữ liệu thông tin về dân cư, Quận này phải huy động hàng trăm máy tính của các trường phổ thông trên địa bàn.
Bên cạnh đó, gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, Bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành.
"Nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập trực tuyến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân, sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức; gây khó khăn cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú", ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng băn khoăn nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì sẽ có nhiều vướng mắc vì liên quan đến thủ tục đi kèm, nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc kéo dài thời gian chuyển tiếp đến 2025 là quá dài. Ông đề nghị cho tồn tại song song cả dữ liệu điện tử (số định danh cá nhân) và hộ khẩu giấy với thời gian nghiên cứu đảm bảo phù hợp hơn.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận sáng 10/8. Ảnh: Hoàng Phong
Bộ trưởng Công an Tô Lâm không đồng tình đề xuất từ Uỷ ban pháp luật của Quốc hội. Ông Lâm đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình ra là thời điểm luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.
"Chúng tôi là cơ quan chủ trì thấy hoàn toàn đủ khả năng, điều kiện để thực thi, lưu lại sổ hộ khẩu giấy đến năm 2025 là không phù hợp, không thực tế", Đại tướng Tô Lâm nói và nhấn mạnh, đây là mong muốn của nhân dân, nếu kéo dài thêm một nhiệm kỳ, 5 năm nữa thì thể hiện quyết tâm thực hiện không cao.
Bộ trưởng Công an khẳng định, các cơ quan có trách nhiệm đang rất nỗ lực thực hiện, chuẩn bị thực thi Luật cư trú (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua. "Không có căn cứ gì để kéo dài việc giữ sổ hộ khẩu giấy cho tới năm 2025 nếu đối chiếu với các công việc đang thực hiện. Lộ trình, bước đi chúng tôi đã vạch ra và quyết tâm thực hiện", ông Tô Lâm nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói việc bỏ hộ khẩu giấy không phải là bỏ quản lý dân cư, mà chỉ thay thế bằng phương thức quản lý mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú. Tuy nhiên thời điểm chuyển tiếp kéo dài tới 5 năm là không phù hợp, không đảm bảo mục tiêu và tư tưởng chủ đạo xây dựng luật Cư trú (sửa đổi).
"Vấn đề đặt ra là Bộ Công an và các cấp có thẩm quyền cần chỉ đạo quyết liệt xây dựng mã định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu, đầu tư phần cứng để đến tháng 7/2021 cơ bản xong. Bên cạnh đó, 30 thủ tục có giao dịch, hợp đồng, dịch vụ cần có sổ hộ khẩu phải được rà soát sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trước khi Luật có hiệu lực", ông Lưu nói.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm 2020.