Vấn đề bỏ sổ hộ khẩu giấy được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi cho ý kiến về Luật Cư trú (sửa đổi).
Ghi nhận lợi ích lớn về mặt kinh tế và những thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính nhưng nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về tính khả thi của quy định này.
Cung cấp thêm thông tin để các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm về tính khả thi của lộ trình bỏ sổ hộ khẩu giấy, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết hiện đã cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân trên khoảng hơn 90 triệu.
“Ước lượng còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân, trong đó có khoảng 30 triệu người dưới 14 tuổi. Như vậy, trước mắt còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân”, đại tướng Tô Lâm thông tin.
Bộ trưởng Công an cho biết dự kiến còn 1 năm nữa để thực hiện việc này. Nếu được Quốc hội và Chính phủ ủng hộ, tướng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an hoàn toàn có cơ sở để 1 năm nữa hoàn thành nhiệm vụ này khi luật này có hiệu lực vào ngày 1/7/2021.
Đại tướng Tô Lâm khẳng định 1 năm nữa có thể cấp căn cước công dân cho 50 triệu người. Ảnh: Hoàng Hà. |
Người đứng đầu ngành công an cho biết đến nay đã thu thập đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu của khoảng 80 triệu công dân. Về việc 4 năm trước chỉ cấp căn cước cho 16 triệu người nhưng thời gian gần đây làm rất nhanh, ông Lâm giải thích vừa qua lực lượng công an xã chính quy đã thực hiện công việc này ở cấp xã với mức độ 99%, kiểm tra được độ chính xác của thông tin để đưa vào máy.
Một lần nữa, đại tướng Tô Lâm khẳng định đến 1/1/2021 có thể hoàn thành cơ bản việc cấp căn cước công dân cho những người từ 14 tuổi trở lên, sau đó tiếp tục cấp cho những người dưới 14 tuổi sau ngày 1/7/2021.
Về quy định bỏ sổ hộ khẩu, Bộ trưởng Công an cho biết có 167 văn bản có liên quan đến sổ hộ khẩu và xác định dân cư. Nhưng một số văn bản thực hiện theo quy định của sổ hộ khẩu giấy sẽ mặc nhiên hết hiệu lực thi hành khi sổ hộ khẩu không còn giá trị. Còn một số những văn bản khác, Bộ Công an sẽ đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội để có những điều chỉnh giao dịch, phục vụ thuận lợi cho người dân trong việc thay đổi cách thức quản lý này.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) ủng hộ phương thức quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân vì việc này không chỉ giúp đơn giản về thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính mà còn khắc phục những vấn đề tồn tại, bất cập trong quản lý cư trú, quản lý dân cư hiện nay.
“Khi chúng ta bỏ sổ hộ khẩu giấy, những thông tin về hộ khẩu được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu về cư trú và sẽ được khai thác sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Việc này không cản trở việc thực hiện các quy định khác trong của các lĩnh vực khác như một số đại biểu lo lắng”, ông Hồng nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương). Ảnh: quochoi.vn. |
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết có đến 27 thủ tục hành chính khác đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũng sẽ được bãi bỏ. Trong số này có nhiều thủ tục đòi hỏi có chứng thực bản sao hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu, nên tiền bạc và thời gian của người dân khó có thể định lượng được hết trong những trường hợp này.
Ngoài ra, những thủ tục này khi được bãi bỏ đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ phải sửa đổi, bổ sung thay thế đến 178 văn bản có liên quan. “Đây là khối lượng công việc rất lớn. Luật có hiệu lực nhưng có lẽ công dân vẫn chưa được thụ hưởng các chính sách mới về đơn giản hóa thủ tục hành chính”, ông Sỹ nhận định.
Ghi nhận lợi ích về mặt kinh tế cũng như thuận tiện khi bỏ sổ hộ khẩu, song ông Sỹ nhấn mạnh cần có sự đồng bộ về cơ sở dữ liệu dân cư trên toàn quốc, mà hiện nay còn đến 80 triệu công dân nữa cần được cấp số định danh cá nhân. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ báo cáo rõ tiến độ và khả năng cấp số định danh cá nhân trong thời gian tới, để bảo đảm khi luật có hiệu lực thi hành thì dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cơ bản hoàn thành và vận hành.
Còn đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) phân tích sau hơn 5 năm thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với mức đầu tư hơn 3.000 tỷ, đến nay mới chỉ có 18 triệu công dân được cấp số định danh và còn trên 80 triệu người cần phải cấp.
“Công tác này cần rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế, với nguồn lực ngân sách hiện này thì việc bố trí bảo đảm đủ 3.000 tỷ cho Bộ Công an là rất khó khăn”, bà Dung nói.
Theo Zing