Ấn Độ và Trung Quốc, hai cường quốc đứng đầu châu Á về cả dân số, diện tích lẫn hỏa lực, đã tranh chấp dải đất ranh giới trên dãy Himalaya suốt nhiều thế hệ. Dưới thời của những nhà lãnh đạo theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, các cường quốc hạt nhân ngày một quyết liệt hơn với đối thủ và đẩy cao nguy cơ xung đột trực diện.
Đối đầu tiến đến rất gần lằn ranh đỏ vào đêm 15/6, khi đụng độ nổ ra giữa biên phòng lực lượng hai nước tại thung lũng Galwan, vùng Đông Ladakh. Dù không có tiếng súng, đã có ít nhất 20 binh lính Ấn Độ tử vong, trong đó có cả sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn. Hàng chục quân nhân khác bị phía Trung Quốc bắt giữ. Cả đại diện quân đội Ấn Độ lẫn giới thạo tin quân sự Trung Quốc tiết lộ phía Trung Quốc cũng chịu thương vong.
Tâm điểm căng thẳng tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc (đường viền màu đỏ). Đồ họa: New York Times. |
Sự kiện ngày 15/6 trở thành lần giao tranh có có tổn thất về người đầu tiên giữa hai nước từ vụ nổ súng ở Sikkim năm 1975 và là cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong xung đột Ấn - Trung trong gần nửa thế kỷ qua.
Đã có nhiều va chạm giữa biên phòng Ấn Độ và Trung Quốc trên khu vực tranh chấp kéo dài trong nhiều tuần. Một vụ đụng độ tương tự xảy ra tại hồ Pangong vào ngày 5 và 6/5 khiến nhiều người bị thương nặng. Ba ngày sau, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ lại ẩu đả bằng đá và tay không ở vùng tranh chấp mà New Delhi khẳng định thuộc bang Sikkim.
Hai nước chạy đua điều quân đến biên giới, củng cố phòng tuyến ở các điểm nóng như hồ Pangong và thung lũng Galwan. Biên phòng đào công sự. Trung Quốc còn điều cả pháo binh, xe ủi đất và thiết giáp áp sát khu vực.
Giới chức quân sự Ấn Độ thông báo về vụ đụng độ ở Galwan vào trưa 16/6, với số thương vong gồm 1 sĩ quan chỉ huy và 2 binh sĩ. Khuya cùng ngày, số thương vong tăng vọt lên 20 người, cùng ít nhất 20 quân nhân của Ấn Độ đã bị Trung Quốc bắt giữ.
Theo New York Times, binh sĩ hai phía đã tuân thủ quy định không chính thức về đụng độ trong khu vực tranh chấp là không sử dụng vũ khí quân dụng. Họ sử dụng đá, tay không và gậy gộc. Một số gậy được quấn thêm đinh. Vụ việc xảy ra ở môi trường núi cao, nhiệt độ thấp, cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 17 binh sĩ Ấn Độ bị thương nặng.
Những thông tin chấn động ập đến chỉ vài ngày sau khi giới chức hai nước thông báo tiến trình giảm leo thang căng thẳng có tiến triển và đã đạt được đồng thuận một phần về không chạm trán lực lượng. Lực lượng vũ trang các bên rút về một vài điểm đóng quân dọc biên giới. Sự kiện đêm 15/5 cũng diễn ra trong lúc đại diện hai nước đang trong "quá trình giảm leo thang căng thẳng" ở thung lũng Galwan.
Biểu tình tại Ấn Độ sau vụ đụng độ biên giới đẫm máu với Trung Quốc khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng. Ảnh: AP. |
Phát ngôn chính thức đầu tiên từ phía Trung Quốc về vụ việc đêm 15/6 là: "Tôi không biết về thông tin mà bạn cung cấp".
Đó là lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, đưa ra trong buổi họp báo chiều 16/6, tại Bắc Kinh. Ông chỉ tiết lộ trong ngày 15/6 đã có hai lần quân đội Ấn Độ "vượt qua biên giới", "khiêu khích và tấn công" lực lượng Trung Quốc. Ông Triệu nhấn mạnh Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng "đồng thuận" giữa các bên về giảm leo thang căng thẳng.
Những giờ sau, khi mức độ nghiêm trọng của cuộc đụng độ tại Galway rõ dần, Bắc Kinh cũng nâng chi tiết trong lời lẽ công kích nhắm vào New Delhi.
Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc cũng có cuộc gặp khẩn với ông La Chiếu Huy, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong ngày 16/6. Cùng ngày, người phát ngôn Triệu Lập Kiên thông báo đã gửi công phàm phản đối quyết liệt và giao thiệp với phía Ấn Độ.
Theo New York Times, mọi rắc rối bắt đầu khi Ấn Độ khởi công cải tạo tuyến đường đến căn cứ không quân nước này, đi qua thung lũng Galwan. Giới phân tích quốc phòng cho biết tuyến đường nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ kiểm soát, nhưng Trung Quốc quyết định quấy rối kế hoạch gia cố phòng tuyến của láng giềng.
Xe quân sự Ấn Độ được triển khai đến khu vực biên giới ở Kashmir. Ảnh: Reuters. |
Giới phân tích quốc phòng và chính trị đánh giá cả Trung Quốc và Ấn Độ không muốn xung đột leo thang hơn nữa.
Trước sự kiện đêm 15/6, giới lãnh đạo Ấn Độ trong nhiều tuần chủ trương gửi đến người dân thông điệp kiềm chế. Họ tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của đối đầu biên giới, bất chấp các tiết lộ của truyền thông về lực lượng Trung Quốc chiếm đóng lãnh thổ mà Ấn Độ đã tuyên bố chủ quyền. Vụ đụng độ đẫm máu ở Galwan có thể chấm dứt nỗ lực kiềm chế này.
Việc tìm kiếm lối thoát cho xung đột mà không tạo ra hình ảnh nhượng bộ đối phương sẽ là một bài toán khó cho lãnh đạo hai nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi suốt những năm qua đã hun đúc chủ nghĩa dân tộc ở nước mình và duy trì thái độ quyết liệt trong vấn đề biên giới.
"Cả Thủ tướng Modi lẫn Chủ tịch Tập, không ai muốn chiến tranh nhưng cũng không ai chấp nhận từ bỏ tuyên bố lãnh thổ của mình", Ashley Tellis, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở Washington, nhận định.
Thủ tướng Modi và đảng của ông đang theo đuổi chính sách đối ngoại chủ trương sức mạnh, với mục tiêu khẳng định vai trò ngày một lớn của Ấn Độ trên trường quốc tế. Năm 2019, đáp trả vụ tấn công tự sát của nhóm khủng bố tại Pakistan, New Delhi đã ra lệnh không kích đối thủ láng giềng, đưa hai nước đến sát bờ vực chiến tranh.
Dù vậy, Trung Quốc là một đối thủ khác xa Pakistan, với cái giá phải trả cho leo thang xung đột sẽ rất lớn. Ấn Độ có vẻ là bên cần lo ngại hơn khi không có sự chuẩn bị tốt nhất cho kịch bản xấu nhất. Quốc gia 1,4 tỷ dân đang lún sâu hơn vào khủng hoảng kinh tế và y tế từ đại dịch Covid-19.
"Dù Ấn Độ muốn làm gì đi nữa, vị thế của chúng ta không cho phép thực hiện điều đó. Chính phủ của ông Modi đang trong tình thế rất khó. Cục diện sẽ còn leo thang... nhưng chúng ta không sẵn sàng cho kiểu leo thang này", Bharat Karnad, chuyên gia về an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, đặt ở New Delhi, cho biết.