TP.HCM ưu tiên các dự án công trình giao thông trọng điểm

Thứ năm, 18/06/2020, 08:43
Thời gian qua, UBND TP.HCM đã chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua khảo sát có một số dự án triển khai thực hiện còn bất cập nên UBND Thành phố cần tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Một số dự án triển khai thực hiện còn bất cập như vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch trong triển khai các dự án giao thông như nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2), dự án cầu Bưng (nối quận Bình Tân và quận Tân Phú)… nhiều hộ dân phải giải tỏa 2-3 lần. Đồng thời, vướng bồi thường giải phóng mặt bằng lớn nhất là về giá, do dự án kéo dài nhiều năm áp dụng chính sách giá nhiều thời kỳ khác nhau, thậm chí có những dự án kéo dài 20 năm như cầu Phước Kiểng (Nhà Bè) thường gọi là cầu “ba giá” và sắp tới không chỉ dừng lại “ba giá” mà còn giá áp dụng theo chính sách sau này.

Hiện nay, sau khi Nghị quyết 13 về kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, sau đó có những dự án hết sức cấp bách bổ sung vào kế hoạch trung hạn để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua quá trình đi giám sát thực tế, có những dự án cấp bách cần làm ngay nhưng trong quá trình phối hợp thực hiện giữa các đơn vị còn chậm; đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dù những dự án ách tắc giao thông rất nhiều phải làm cầu tạm, trong khi đó xây dựng cầu mới và do vướng mặt bằng nên các cầu phải nằm trên cao không thể kết nối được. Do đó, cần tập trung quan tâm giải quyết sớm những trường hợp này. Có những dự án chống sạt lở rất nguy hiểm đến tính mạng người dân và phải tiến hành di dời những vướng mắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên UBND TP.HCM cần tập trung chỉ đạo giải pháp cấp bách thực hiện.

Mặt khác, hiện nay các bộ, ngành đã hướng dẫn Thành phố và nếu có quy hoạch ngành thì việc quy hoạch sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, đã được thông qua chủ trương nhưng dự án phải phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/2000. Do đó, nếu không phối hợp với các địa phương để điều chỉnh quy hoạch 1/2000 thì vướng mắc không thể thực hiện dự án. Vì vậy, UBND TP.HCM cần quan tâm để các dự án cấp bách về giao thông thực hiện được.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, TP.HCM xem phát triển hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong những trọng điểm. Vì chính hạ tầng giao thông là một trong ba điểm nghẽn lớn mà Nghị quyết của Trung ương đã đề cập và với TP.HCM điều này thể hiện rất rõ ràng. Đó là giao thông không phát triển thì Thành phố không phát triển, giao thông không chỉ là bài toán phát triển kinh tế mà giao thông còn là bài toán để phát triển vấn đề xã hội. Cụ thể, giao thông đi tới đâu thì điều kiện sống người dân phát triển tới đó. Vì vậy, Thành phố bố trí nguồn lực lớn chiếm 37,5% trong tổng nguồn vốn ngân sách thành phố cả nhiệm kỳ 5 năm để dành cho phát triển giao thông.

TP.HCM đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng 13 dự án hạ tầng giao thông lớn

TP.HCM đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng 13 dự án hạ tầng giao thông lớn

UBND TP.HCM luôn luôn ưu tiên các dự án công trình giao thông trọng điểm. Cụ thể, Thành phố không làm những con đường lớn, dài mà tập trung giải quyết các nút thắt. Do đó, trong mấy năm nay, Thành phố tập trung vào các điểm chính là sân bay, cảng biển, các trục đường kết nối với các tỉnh, thành lân cận để tạo sự thông thoáng. Đồng thời, TP.HCM chuyển phương thức điều hành với việc thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố.

Về giải pháp trong thời gian tới, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố cố gắng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng. Trước khi phê duyệt quy hoạch chung phải có quy hoạch chuyên ngành. Trong đó, ngành giao thông tập trung vào quy hoạch giao thông tĩnh, giao thông bộ, giao thông thủy… để dành quỹ đất phát triển giao thông. Cùng với đó, phát triển giao thông công cộng của giai đoạn mới; phát triển kết nối hạ tầng giao thông giữa các loại hình với nhau thông qua hệ thống mạng để điều phối; nghiên cứu phát triển đường trên cao, vì hiện nay đất để mở rộng đường không có.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Bởi vì, vấn đề bồi thường, tái định cư đang là vấn đề rất bức xúc của người dân và cũng được Thành ủy quan tâm. Trong đó, khẩn trương thực hiện thí điểm quy trình 2 trong 1 cho việc xác định thẩm định giá, Chính phủ đã có Nghị quyết riêng cho TP.HCM. Tăng cường vai trò và trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước của Phòng Tài nguyên và Môi trường ở địa phương.

Mặt khác, huy động các nguồn lực, UBND TP.HCM sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND TP.HCM xin chủ trương cắt giảm các dự án cũ để có nguồn lực bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm. Cùng với đó, nghiên cứu phát hành trái phiếu, vận dụng ODA mới, nghiên cứu phí qua cảng, chuẩn bị nguồn lực quỹ đất để thực hiện các dự án BT. Tiếp tục thực hiện cơ chế liên ngành gồm quy trình kế hoạch quản lý đầu tư công với 5 nhóm công việc là lập kế hoạch vốn, rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn lần 1 và lần 2, giải ngân vốn, kiểm tra thực hiện; thực hiện quy trình xử lý liên thông giữa các ngành và xử lý của tổ công tác liên ngành.

Ngoài ra, phối hợp Bộ ngành Trung ương trên 3 phương diện. Đó là TP kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong chỉ đạo, giải quyết các công trình giao thông trọng điểm cấp nhà nước, cũng như của TP liên thông với các địa phương khác như đường Vành đai 3, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ…

Theo DNSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích