TP.HCM lỡ hẹn với chương trình cải tạo kênh rạch

Thứ tư, 10/06/2020, 14:32
Có thể khẳng định, mục tiêu di dời 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch của TP.HCM đã hoàn toàn bị vỡ.

Hơn 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh, rạch vẫn đang mòn mỏi chờ được di dời

Kế hoạch đã “vỡ”

Ngay sau cơn mưa lớn đầu mùa vừa dứt vào trưa ngày 4/5, rác thải từ phía đầu nguồn trôi về dồn ứ thành đống ngay đoạn cống xả đoạn chảy qua rạch Lăng, khu vực phường 12, quận Bình Thạnh (tuyến rạch Xuyên Tâm).

Đứng trên cầu Bùi Đình Túy có thể thấy rõ mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa lớn, nước kênh dâng lên thì rác và mùi hôi càng bủa vây vào khu dân cư dữ dội.

Còn tại kênh Trần Quang Cơ, khu vực phường Hiệp Thành, quận 12 cũng khổ sở mỗi ngày vì rác.

Ông Trần Ngọc Phương, người dân sống trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, bức xúc: “Gần 50 hộ dân tại khu vực này vẫn đang phải dùng nước giếng khoan. Con kênh ô nhiễm như vậy sẽ khiến nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng. Mỗi ngày chúng tôi phải chịu đựng nhiều mối nguy hại tới sức khỏe do nguồn nước, không khí ô nhiễm. Không biết tới bao giờ mới hết cảnh này”.

Ông Phương cho biết, đã 30 năm kể từ khi nghe đến chương trình di dời nhà ven kênh rạch, nhưng người dân ở đây cứ hy vọng rồi lại thất vọng.

Thực ra, đây là tình cảnh chung mà rất nhiều hộ dân sống ở trên và ven kênh rạch, thậm chí những khu vực lân cận phải gánh chịu. Tuy nhiên, để cải tạo những con kênh đen này thành những dòng kênh xanh vẫn đang là một câu chuyện dài.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn Thành phố đang có 2.953 tuyến sông, kênh, rạch. Đa số các con sông, kênh rạch đều bị người dân lấn chiếm để xây dựng nhà cửa.

Trong đó, có khoảng 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở quận 8 (gần 10.000 căn), quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), quận 7 (hơn 1.700 căn), quận 4 (hơn 1.600 căn)... Thành phố phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.

Để giải quyết mục tiêu trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X giai đoạn 2016 - 2020 của Thành phố đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn tất việc di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.

Dù kế hoạch đề ra quá hoành tráng, nhưng đến cuối năm 2019, toàn Thành phố hiện mới di dời được 2.400 hộ gia đình trong tổng số 20.000 hộ trên và ven kênh, rạch

Cơ chế đặc thù rút ngắn quy trình giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được hy vọng sẽ tháo gỡ bế tắc lâu nay
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, nguyên nhân của việc tắc chương trình di dời 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch là do nguồn vốn ngân sách của Thành phố dành cho chương trình chưa tương xứng với nhu cầu.

Cụ thể, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Thành phố sẽ phải thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư ước tính hơn 44.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách bỏ ra là 22.000 tỷ đồng, vốn xã hội hóa bằng hình thức PPP khoảng 19.000 tỷ đồng và số tiền còn lại từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị.

Một nguyên nhân khác cũng được Sở này đưa ra là trình tự thực hiện thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách là rất phức tạp, kéo dài gồm nhiều giai đoạn.

Chưa kể, các vấn đề về trượt giá, điều chỉnh ranh, nguồn vốn, tổng mức đầu tư nên phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt thủ tục điều chỉnh; chậm tiến độ, không kịp ghi kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm; vướng mắc trong áp giá bồi thường công trình, vật kiến trúc; khó khăn trong cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng là những tác nhân khiến chương trình này bị “lỡ hẹn”.

Đặc biệt, sự phối hợp thiếu đồng bộ của các sở, ngành, UBND các quận huyện trong việc xác định ranh thực hiện dự án cũng là một nguyên nhân rất quan trọng khiến chương trình này suốt nhiều năm vẫn dậm chân tại chỗ.

Chờ vào chính sách đặc thù

Trong một buổi làm việc mới đây với Sở Xây dựng, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch đến nay chưa đạt mục tiêu đề ra.

“Những căn nhà của người dân xây dựng trên kênh rạch do không có đất nên rất khó để bồi thường, chỉ có thể bồi thường những vật kiến trúc. Nhưng vật kiến trúc đa số cũng tạm bợ, chủ yếu là tôn mục, ván cũ. Do đó, số tiền bồi thường cũng không nhiều. Nếu để dân cầm mấy chục triệu đồng tiền hỗ trợ thì rất có thể người dân lại tìm một chỗ ở khác cũng ô nhiễm, cũng trên kênh rạch để tiếp tục lấn chiếm, cơi nới xây dựng nhà sinh sống vì họ không đủ tiền mua nhà”, ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, quan điểm của chính quyền Thành phố là chỉnh trang đô thị, Thành phố thay hình đổi dạng thì người dân trên kênh rạch cũng phải được đổi đời.

Còn Sở Xây dựng Thành phố thì cho rằng, việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch dù chưa đạt kết quả cao, nhưng cơ bản đã xác định được các khu vực, phạm vi di dời và một số công tác chuẩn bị đầu tư, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Để giải quyết bài toán này, Thành phố đã đề ra nhiệm vụ năm 2020 - 2025 sẽ xây dựng 20.000 căn hộ tái định cư. Ngoài ra, Chính phủ đã đồng ý cho TP.HCM thí điểm rút ngắn quy trình giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này hy vọng sẽ tháo nút thắt bế tắc lâu nay khi tiến hành giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, trước đây, một số nhà đầu tư tham gia vào chương trình này rất khó khăn vì phải tự đi thương lượng giải phóng mặt bằng, nhưng nay Nhà nước đi giải phóng mặt bằng bằng tiền ứng trước của doanh nghiệp.

“Vấn đề là nhà nước quy hoạch và xác định bao nhiêu dự án, bởi hiện nay quỹ đất ven kênh rạch rất lớn, trong đó có rất nhiều kênh rạch nhỏ không có giá trị thương mại. Cần làm theo kiểu bia kèm lạc, đấu thầu giao doanh nghiệp có dự án tốt và kèm dự án xấu”, ông Châu nói và cho rằng, Nhà nước là người đứng ra giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp ứng trước và không tính lãi. Nếu làm được như vậy, Nhà nước sẽ không tốn nguồn lực mà chương trình vẫn chạy tốt.

Về phía góc độ đầu tư bất động sản, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn C.T Group cho rằng, trong quá trình thực hiện công tác giải tỏa, tất cả mọi ngóc ngách của vấn đề đều được nêu ra, nhưng tựu trung lại vẫn xuất phát từ nguồn kinh phí để thực hiện. Giá trị thương mại của dự án phải tính toán bao gồm tất cả các chi phí xuyên suốt trong quá trình thực hiện, khu vực hỗ trợ xã hội theo chính sách chung, riêng khu vực thương mại kinh doanh khai thác cần đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

“Trong quy hoạch phát triển các quỹ đất hai bên bờ sông, kênh rạch, TP.HCM cần cho phép các chủ đầu tư tăng mật độ xây dựng để tạo nguồn kinh phí trong việc cải tạo của từng dự án”, ông Chung nói và nhấn mạnh, nếu làm được điều này, các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia cùng chính quyền Thành phố.


Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích