|
Bất động sản công nghiệp là điểm sáng của thị trường bất động sản năm 2020, bởi Việt Nam có lợi thế nền kinh tế phát triển ổn định, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại với các đối tác lớn trên toàn cầu. |
Chiến lược “Trung Quốc + 1” không hề viển vông
Cuối tháng 5/2020, Tập đoàn sản xuất băng dính công nghiệp chuyên dụng Tesa (Đức) công bố sẽ rót vốn đầu tư 55 triệu euro (tương đương 60,3 triệu USD) xây dựng nhà máy sản xuất băng dính tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất thứ 15 của hãng này trên thế giới.
Tesa là ví dụ điển hình cho chiến lược sản xuất “Trung Quốc + 1” mà các nhà đầu tư nước ngoài đang triển khai mở rộng sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tesa đang vận hành một nhà máy tại Tô Châu (Trung Quốc), nhưng dự báo sẽ chạm công suất tối đa vào năm 2025 ngay cả khi mở rộng sản xuất.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Tesa cho biết, đây là bước đi vững chắc và đúng lúc, nhằm khai thác tiềm năng của thị trường băng dính châu Á đang phát triển rất sôi động.
Ông Stefan Schmidt, phụ trách mua hàng và mạng lưới cung ứng toàn cầu của Tesa nhấn mạnh, với Tesa, thị trường Việt Nam có sức hút lớn do ngày càng nhiều khách hàng quan trọng của hãng này trong ngành ôtô và điện tử đang dịch chuyển tới Việt Nam. Bên cạnh đó, mở rộng sản xuất sang Việt Nam tạo cơ hội tốt cho Tesa rút ngắn con đường đến với khách hàng và các nhà cung cấp tại Đông Nam Á và Trung Quốc.
Theo khảo sát của Vietnam Report, bất động sản công nghiệp là điểm sáng của thị trường bất động sản năm 2020, bởi Việt Nam có lợi thế nền kinh tế phát triển ổn định, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại với các đối tác lớn trên toàn cầu. Thương chiến Mỹ - Trung, cùng với sự bùng phát của Covid-19 là cú giáng kép làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc hứng bài học “bỏ trứng một giỏ” khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Ông Erwann Rio, Giám đốc vận hành Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) thông tin, không riêng Tesa, mà nhiều nhà đầu tư tìm đến Khu công nghiệp DEEP C cho biết, họ đang đẩy nhanh tốc độ sắp xếp lại chuỗi cung ứng bằng cách dịch chuyển hoạt động sản xuất để đầu tư vào Việt Nam.
Vợt cả “đại bàng” lẫn “chim sẻ”
Để đón bắt các cơ hội từ dịch chuyển FDI vào Việt Nam, DEEP C đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng và hướng đến mô hình phát triển doanh nghiệp dịch vụ để đáp ứng yêu cầu trọn gói từ khách hàng.
Ngoài các dịch vụ điện, nước, viễn thông, DEEP C đã phân tách các khu công nghiệp thành những cụm ngành/lĩnh vực chuyên biệt, hướng đến xây dựng các chuỗi cung ứng và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất công nghiệp tại Hải Phòng.
Trong động thái tương tự, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, đơn vị nắm giữ 15 khu công nghiệp ở những địa bàn chiến lược về thu hút FDI như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng và TP.HCM, hay Long Hậu Corporation - đơn vị phát triển Khu công nghiệp Long Hậu (Long An) cũng đang đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ khép kín, thuận tiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo đó, Tổng công ty Kinh Bắc hướng tới cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng và hoàn chỉnh, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Hơn 90% khách hàng các khu công nghiệp của Kinh Bắc là doanh nghiệp nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông.
Mỗi khu công nghiệp của Kinh Bắc đều thu hút những “ông lớn” như Samsung, LG, Canon Foxconn, JA Solar... Không dừng ở đó, với mục tiêu “vợt cả đại bàng lẫn chim sẻ”, Kinh Bắc đang tập trung phát triển mạnh cho thuê và bán nhà xưởng, văn phòng có sẵn để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vệ tinh của các tập đoàn lớn, giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian đi vào hoạt động.
Riêng năm 2019, Kinh Bắc thu về 100,2 tỷ đồng từ bán nhà xưởng trong khu công nghiệp, chiếm 3% tổng doanh thu. Quý I/2020, doanh thu cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng của Kinh Bắc đạt 26 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các dịch vụ phụ trợ trong khu công nghiệp như cấp nước, xử lý nước thải, quản lý và duy tu kết cấu hạ tầng… được Kinh Bắc chú trọng vì đem lại doanh thu cố định hàng năm, đảm bảo chi trả chi phí quản lý của doanh nghiệp.
Chưa kể, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân và chuyên gia làm việc trong các khu công nghiệp, Kinh Bắc đang xúc tiến kế hoạch hoàn thiện hạ tầng Khu đô thị Tràng Duệ (Hải Phòng) để phục vụ chuyên gia, người lao động; cùng với đó là phát triển Khu đô thị Phúc Ninh (Bắc Ninh). Kinh Bắc đang nắm trong tay quỹ đất “khủng” 938ha để phát triển các khu đô thị, với hy vọng đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp trong dài hạn.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, rất nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc tìm kiếm địa điểm tại các khu công nghiệp để đầu tư. Có nhiều nhóm nhà đầu tư muốn kinh doanh theo quy mô lớn để trở thành chủ đầu tư của cả khu công nghiệp, với nhu cầu tìm những quỹ đất từ 500 - 1.000ha.
Song, ông Khương cho rằng, để thu hút thêm doanh nghiệp đến hoạt động tại khu công nghiệp, đồng thời phát triển mạnh bất động sản công nghiệp, cần chú trọng đến việc phát triển hệ thống giao thông nội bộ. Đặc biệt là hệ thống giao thông giúp các nhà máy vận chuyển hàng hóa từ thành phố này đến thành phố khác, kết hợp với hệ thống xuất cảnh hàng hóa ra nước ngoài và ngược lại. Yếu tố quan trọng không kém nữa là vấn đề kho bãi cho quá trình hậu sản xuất thành phẩm hay nguyên liệu thô của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
5 tháng đầu năm 2020 đã có những tín hiệu hết sức khả quan cho thị trường bất động sản công nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Việt Nam đã có 1.212 dự án FDI được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 7,4 tỷ USD, tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 436 dự án FDI đăng ký bổ sung vốn với tổng số 3,5 tỷ USD, tăng 31,4%. |
Theo Báo Đầu tư