|
Doanh nghiệp cần gì?
Nhìn nhận diễn biến thị trường bất động sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I là từ đầu năm đến trước ngày 1/3/2020 và giai đoạn II là sau ngày mùng 2/3 trở đi. Lý do chia làm hai giai đoạn bắt nguồn từ thời điểm ca nhiễm Covid-19 số 17 xuất hiện và hệ quả là quyết định cách ly xã hội từ Chính phủ ít lâu sau đó.
Trước 2/3/2020, dù đã có những dự báo về có những tiềm ẩn rủi ro có thể phát sinh từ Covid-19, nhưng giai đoạn I, với niềm tin kéo dài từ cuối 2019, dù có lo lắng nhưng niềm tin vào sự khởi sắc của thị trường vẫn khá rõ nét.
"Chúng tôi có cơ sở và tự tin với doanh số có thể đạt 2.000 - 3000 tỷ đồng vào cuối năm nay", đại diện một doanh nghiệp chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản. Tuy nhiên, chỉ sau đó đúng 2 tháng, cũng vị này cho biết: "Doanh nghiệp sẽ cố gắng hết sức nhưng cũng khó đảm bảo hoàn thành 50% chỉ tiêu năm nay".
Có thể nói, giai đoạn II là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường kể từ năm 2015 trở lại đây khi tâm lý người mua nhà thay đổi, dòng tiền kinh doanh gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh đình đốn. Thế nhưng, nói như Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, dù có khó khăn, nhưng với góc độ doanh nghiệp, thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng, bởi nhu cầu mua nhà ở và đầu tư bất động sản dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn rất lớn, trong giai đoạn hiện nay còn lớn hơn.
Có điều, dù luôn tin tưởng vào thị trường, nhưng theo ông Dũng, doanh nghiệp vẫn cần sự đồng lòng của cơ quan quản lý, trong đó vấn đề gỡ khó về cơ chế, chính sách và đặc biệt là bài toán gỡ khó về thủ tục để doanh nghiệp có được điều kiện kinh doanh tốt hơn, sớm đưa dự án ra mắt.
Hiệu quả, quyết liệt hơn các gói hỗ trợ và chính sách sẽ giúp thị trường nhanh trở lại
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành đã có nhìn nhận rõ hơn cái khó của doanh nghiệp, cũng đã kịp thời ban hành nhiều chỉ đạo, chỉ thị hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Có một số giải pháp căn cơ, rất mới như Nghị định 25/2020 cởi trói về thủ tục đấu thấu và triển khai dự án, tuy nhiên, cũng có những giải pháp vẫn nằm trên bàn giấy như sửa đổi Nghị định 20/2017 về hoàn thuế cho các doanh nghiệp. Thủ tướng đã chỉ đạo phải có nghị định mới muộn nhất là vào ngày 20/4/2020, nhưng sau hơn 2 tháng, doanh nghiệp vẫn chưa cầm trên tay bản nghị định này để làm việc với các cơ quan thuế.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trước những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và Hiệp hội, Bộ Xây dựng đã sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó, với nhóm giải pháp doanh nghiệp, Bộ đang cấp bách xây dựng giải pháp cho việc hình thành các chung cư có diện tích căn hộ nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 và hiện nay Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trong quý III/2020.
Bên cạnh đó là việc sớm thúc đẩy nhanh chóng gỡ về thủ tục cho doanh nghiệp, trong đó có thể sớm đề xuất miễn cấp phép với dự án được thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở… Bộ được sự ủy quyền của Thủ tướng đã báo cáo Quốc hội, nội dung được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực ngay.
"Ngoài ra, về lâu dài, việc rà soát các quy định đến hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản; sửa đổi thủ tục rõ ràng, thuận tiện hơn. Bộ được Chính phủ giao sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo tính đồng bộ và cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đồng bộ sửa đổi Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan, hợp nhất thành 1 Nghị định và Thông tư hướng dẫn, giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện thuận lợi”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, các giải pháp sẽ được cơ quan quản lý nghiên cứu xem xét triển khai, nhưng về phía doanh nghiệp cũng cần sự chuẩn bị để nhập cuộc nhanh hơn. Trong đó, giải pháp ưu tiên giai đoạn này là thực hiện mô hình 3 Rs: Respond (ứng phó với đại dịch), Ricover (phục hồi), Re-invent (đổi mới sáng tạo trong mô hình/ chiến lược kinh doanh) + 2Rs khác: Restructure (tái cơ cấu) và Resilience (khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài). Doanh nghiệp tập trung 4 thứ là người lao động; quản lý tài chính; khách hàng và đối tác. Xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số; tăng cường kết nối, xác lập và chủ động định vị trong chuỗi giá trị…
"Tóm lại con người và công nghệ là 2 đột phá chiến lược", ông Lực nhấn mạnh.
Theo Báo Đầu tư Bất động sản