Từ chuyện “mâu thuẫn gia đình” Coteccons…

Thứ ba, 16/06/2020, 10:50
Trong hơn 1 tuần qua, một trong những câu chuyện gây chú ý trong đời sống kinh doanh là chuyện đấu khẩu qua lại giữa nhóm các cổ đông ngoại nắm giữ 46% cổ phần do Kusto khởi xướng và Ban lãnh đạo của Coteccons, những người sáng lập doanh nghiệp, đứng đầu bởi ông Nguyễn Bá Dương.

Kusto - quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore - sau 8 năm gắn bó, không phủ nhận đã thu được lợi ích lớn từ nhà thầu từng đứng đầu ngành xây dựng Việt Nam với đỉnh cao doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 1.500 tỷ đồng trong năm 2018.

Đồng thời, Kusto cũng trở thành cổ đông ngoại lớn nhất tại Coteccons, nắm giữ 18,32% cổ phần và sở hữu thêm 14,67% cổ phần nữa thông qua Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh và Đầu tư Thành Công.

Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu càng lớn, mâu thuẫn lại càng cao liên quan đến vấn đề một số thành viên trong Ban lãnh đạo Coteccons đang nắm giữ đồng thời các chức vụ quản lý quan trọng tại Ricons - một doanh nghiệp có ngành nghề tương tự, trong đó có vị trí chủ tịch và người đại diện theo pháp luật.

Nhìn lại lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những tranh chấp kiểu như vậy. Trước đó, Red River Holdings - một quỹ đầu tư của Pháp, có tổng tài sản quản lý gần 300 triệu USD (hiện nay đã ngừng hoạt động) cũng từng gây sóng gió trên thương trường Việt Nam với những vụ việc mâu thuẫn và phản pháo nhau trên mặt báo cùng Ban lãnh đạo Vinamilk, Minh Phú, Hoa Sen, PVS, Hòa Phát hay Vicostone.

Không thuần túy là những nhà đầu tư tài chính thụ động, chỉ đầu tư để ăn chênh giá hay hưởng cổ tức, với tiềm lực cùng việc nắm vững các quy định của pháp luật chứng khoán và có điều kiện tiến hành những cuộc khảo sát riêng, các quỹ này thường rất chủ động thực hiện chiến dịch buộc doanh nghiệp, hay nói chính xác hơn là ban lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi và thúc đẩy nhiều thay đổi mạnh mẽ.

Họ thể hiện mong muốn rất rõ trong việc tham gia sâu vào công tác quản trị, đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều và phản biện về chiến lược tài chính, tái cơ cấu, hoạt động mua bán sáp nhập, lương thưởng của thành viên ban điều hành và HĐQT…

Những nhà đầu tư dạng Red River Holdings hay Kusto được gọi là nhóm các nhà đầu tư chủ động!

Vài năm qua, những nhà đầu tư chủ động dạng này xuất hiện ngày một nhiều và đang có xu thế áp đảo so với những nhà đầu tư thụ động. Mỹ là thị trường rất coi trọng các nhà đầu tư chủ động, còn ở châu Âu và châu Á, ngày càng có nhiều chiến dịch do các nhà đầu tư chủ động khởi xướng.

Đặc biệt, tại châu Âu, các nhà đầu tư truyền thống đang có xu hướng thay đổi trạng thái từ nhà đầu tư thụ động sang chủ động, bởi họ nhận thấy rõ việc chuyển sang trạng thái chủ động mang lại những lợi ích trong dài hạn.

Năm 2015, tập đoàn truyền thông nổi tiếng của Pháp Vivendi đã đồng ý chấp nhận khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD từ P. Schoenfeld Asset Management, sau một thời gian dài đóng cửa và có thái độ chống lại nhà đầu tư này. ValueAct Capital Partners, một nhà đầu tư chủ động nổi tiếng, cũng đã trở thành cổ đông lớn nhất của Rolls-Royce Holdings, nhà sản xuất xe hơi vốn rất thủ cựu và truyền thống.

Trên thế giới, nhiều quỹ đầu tư chủ động đã công khai các chiến dịch nhằm hướng đến việc cải tổ toàn diện các doanh nghiệp mà họ bỏ vốn vào. Đơn cử, Elliott Management (Mỹ) đang bỏ ra rất nhiều công sức để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ tại Tập đoàn xây dựng Samsung C&T (Hàn Quốc).

Nhưng như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã đúc kết, “bất cứ cải cách nào cũng sẽ gặp phải chống đối". Nhiều động thái can thiệp sâu vào hoạt động quản trị doanh nghiệp của các quỹ sẽ gặp lực cản.

Khi đó, chỉ có hai tình huống diễn ra là lãnh đạo doanh nghiệp phải thỏa hiệp hoặc chuyện “cơm không lành canh không ngọt” sẽ được các quỹ cho phơi sáng.

Đây cũng sẽ là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hay bất động sản sẽ phải đối mặt trong thời gian tới khi mà ngày càng nhiều quỹ ngoại theo dạng chủ động cũng đang ngấp nghé vào thị trường.

Các quỹ này sẽ rất bạo chi nếu thấy doanh nghiệp tiềm năng, nhưng kèm theo đó, họ sẽ đòi hỏi can thiệp rất sâu vào công tác quản trị của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Sự “kềm tỏa” của những vòng giám sát đó chắc không dễ chịu gì, nhưng có lẽ là điều buộc phải chấp nhận nếu rộng cửa đón khách.                                                             


Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích