|
Thị trường bất động sản hiện đang thiếu cung, trong khi nhu cầu của người dân vẫn rất lớn |
Lạc quan
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đưa ra góc nhìn khá thú vị về diễn biến thị trường thời gian tới, đó là: Cái “nguy” của người nọ có thể là cái “cơ” của người kia.
Người đứng đầu Alphanam cho rằng, với việc pháp lý đi chậm hơn thực tiễn, thủ tục hành chính còn rườm rà, hay khó khăn từ dịch bệnh gây ra như hiện nay lại là cơ hội cho các đơn vị lớn, đủ tiềm lực. Ngoài ra, dù cơ chế là thách thức, nhưng cũng có thể dẫn đến việc các công ty tự liên kết với nhau để phát triển. Điều này có thể dẫn đến việc thị trường cũng chỉ còn vài chục nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra nhận định, diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay khác với năm 2010 (năm bắt đầu cho chu kỳ 10 năm 2010 - 2019). Ông Hà cho rằng, năm 2010, thị trường rơi vào khủng hoảng thừa, nhưng hiện nay, thị trường lại đang thiếu cung. Nguyên nhân là bởi tắc nghẽn pháp lý khiến dự án đưa vào kinh doanh và triển khai đầu tư rất nhỏ giọt.
Đại diện VNREA cũng cho rằng, đại dịch lần này đã làm thay đổi nhận thức, ý thức, ứng xử của khách hàng trong thị trường bất động sản. Người có tiền vẫn xuống tiền để mua nhà, chứ không "thắt lưng buộc bụng" như các đợt suy thoái trước đây.
“Tôi hy vọng sắp tới, các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư lớn phải dẫn dắt thị trường để vượt qua khó khăn. Tôi lạc quan vào sự phát triển của thị trường”, ông Hà nhấn mạnh.
Trước diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn phức tạp, gần đây có nhiều ý kiến cho rằng bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
|
Nhiều khách sạn, khu resort đã mở cửa đón khách trở lại sau thời gian án binh bất động vì Covid-19. |
Về nhận định này, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Eurowindow cho rằng, cuộc chiến này tiềm ẩn cả cơ hội và thách thức. Việt Nam đang chào đón xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang theo chiến lược Trung Quốc +1 của các tập đoàn đa quốc gia, tạo nên làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự sàng lọc tự nhiên, loại bỏ những doanh nghiệp bất động sản yếu kém.
Giữ cái nhìn cẩn trọng hơn về triển vọng phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, nhiều ý kiến cho rằng bất động sản công nghiệp là xu thế chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, nhưng việc nhà nhà đua nhau làm bất động sản công nghiệp là rất nguy hiểm. Bất động sản công nghiệp cần phải có nhà ở cho công nhân, là một quần thể, khu công nghiệp.
Vị đại diện FLC cho biết, ông không quá lạc quan vào triển vọng phân khúc này, nhưng với các phân khúc khác, hiện là cơ hội để các nhà đầu tư bắt đáy thị trường.
“Theo tôi, thị trường bất động sản không lý do gì để trầm lắng và không lạc quan. Bây giờ là thời điểm vàng để những người từ tích lũy từ nhỏ đến lớn. Giờ phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải lạc quan để tránh việc khi xuống tiền mua là quá muộn”, ông Quyết cho biết.
Giữ sự lạc quan nhất định với thị trường, nhưng theo bà Hoàng Lài, Phó tổng giám đốc La Luna Resort, với các doanh nghiệp nói chung, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ngành địa ốc, thì sự hồi phục sau khủng hoảng của kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng sẽ đi theo hình chữ U chứ không phải chữ V.
Bà Lài cho rằng, các bãi biển mới mở cửa trở lại, hàng không cũng mới được khai thác nội địa. Tức nền kinh tế mới chỉ mở cửa một phần, nên không ít doanh nghiệp vẫn đang còn trong khó khăn.
Theo bà Lài, kể cả sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại 100%, thì các doanh nghiệp cũng cần đến 6 tháng mới phục hồi được. Riêng với La Luna Resort, giai đoạn hiện tại đang đẩy nhanh tiến độ các dự án để cố gắng đón sóng phục hồi của nền kinh tế, của ngành du lịch.
Nhìn lại câu chuyện quá khứ, so sánh với bối cảnh hiện tại, chuyên gia Võ Trí thành cho rằng, thị trường sẽ vượt qua các khó khăn Covid-19 gây ra.
“Giai đoạn khủng hoảng 2009 - 2010, thị trường bất động sản gặp khó khăn hơn nhiều so với hiện nay, khan hiếm tiền, thanh khoản, nợ xấu gia tăng. Nhưng thị trường cũng đã trở lại từ 2014, vì vậy, không có lý do gì thị trường không vượt qua được cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này", ông Thành nhấn mạnh.
Không cần hỗ trợ tài chính, chỉ cần gỡ vướng pháp lý
Dù giữ niềm lạc quan vào thị trường, coi dịch bệnh là dịp sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém, nhưng vấn đề pháp lý vẫn là nỗi lo canh cánh của các doanh nghiệp.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, còn có quá nhiều vướng mắc pháp lý trong dự án từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thiết kế...
“Khi chúng tôi tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn có rất nhiều điều luật liên quan đến bất động sản, luật nhà ở... bị vênh. Đây là rào cản với các doanh nghiệp địa ốc”, bà Thanh cho biết.
Đồng quan điểm, theo ông Quyết, doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý. Thậm chí, nhiều khi những vấn đề này khiến doanh nghiệp mệt mỏi và e ngại việc đầu tư.
Ông Quyết ví dụ, doanh nghiệp của ông có dự án đầu tư quy mô hàng trăm héc-ta, ban đầu được hướng dẫn là dự án đấu thầu, nhưng sau đó địa phương lại cho biết phải đấu giá. Điều này cho thấy sự thiếu nhất quán và các cách hiểu khác nhau từ luật khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn.
“Nhiều địa phương, lãnh đạo tỉnh phải cam kết giải quyết các vướng mắc về pháp lý trong khoảng thời gian nhất định thì chúng tôi mới đầu tư. Chứ với cách làm hiện tại, ít nhất sẽ mất khoảng 3 năm chỉ cho việc hoàn thiện pháp lý. Do đó, có tặng đất vàng mà không giải quyết được câu chuyện pháp lý cho dự án thì chúng tôi cũng không dám đầu tư”, ông Quyết nói.
Cũng chia sẻ về câu chuyện pháp lý dự án, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết, doanh nghiệp của ông có khu đất mua từ năm 2007, sau 14 năm, đến nay vẫn chưa xây do phải chờ giải toả mặt bằng, thực hiện các thủ tục pháp lý.
Ông Dũng cho rằng, lý do khiến ngành bất động sản ở Việt Nam chưa phát triển tốt như nước khác đến từ cơ chế chính sách, thủ tục hành chính công.
“Chúng tôi thậm chí không cần nhận hỗ trợ, giãn thuế. Điều chúng tôi tha thiết mong muốn là được tháo gỡ các thủ tục pháp lý, cải thiện thủ tục hành chính. Bởi điều đó mang tính căn cơ hơn nhiều”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng coi trọng việc giải quyết các vướng mắc về pháp lý, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần xem xét đến việc giải quyết một cách triệt để vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới, để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn.
Theo Báo Đầu tư Bất động sản