Người châu Âu mất kiên nhẫn với Covid-19

Thứ ba, 16/06/2020, 15:55
Covid-19 khiến những đường biên giới mở mà châu Âu luôn tự hào bỗng chốc đóng chặt, nhưng khi virus chưa biến mất, họ lại nôn nóng tái mở cửa.

Pháp, Đức và Thụy Sĩ nằm trong số những quốc gia gỡ hạn chế cho tất cả hành khách đến từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc khu vực "không biên giới" Schengen từ ngày 15/6. Họ cùng nhiều nước khác, như Italy và Bỉ, đang cố gắng chuyển sang giai đoạn ứng phó Covid-19 mới, với mục tiêu cân bằng giữa các yêu cầu y tế, hoàn cảnh kinh tế và thay đổi thái độ của công chúng.

Để giúp người dân nắm bắt được những quy định đa dạng giữa các quốc gia, Ủy ban châu Âu đã ra mắt trang web "Tái mở cửa EU", nơi đăng thông tin về quy định đi lại đến hoặc bên trong nội bộ các nước châu Âu, bao gồm những yêu cầu kiểm dịch và cơ sở vật chất dành cho du khách.

Các động thái được đưa ra trong bối cảnh tình hình lây nhiễm nCoV tại châu Âu giảm đáng kể, nhờ loạt biện pháp hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt được tiến hành những tháng qua.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại một số nơi khác như Ấn Độ, Mỹ Latinh, cùng nhiều bang ở Mỹ, vẫn tăng mạnh. Giới chức y tế cũng cảnh báo những làn sóng lây nhiễm mới có khả năng tấn công khi các nước mở cửa trở lại.

Người dân tận hưởng ánh nắng tại bãi biển Barceloneta, thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, hôm 13/6. (Ảnh: Reuters).

Bất chấp tương lai mơ hồ, chính phủ các nước châu Âu vẫn nỗ lực thúc đẩy quá trình tái mở cửa khi nền kinh tế đã bị đình trệ suốt thời gian dài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 14/6 tuyên bố nước này "thắng trận đầu" trước Covid-19, đồng thời cho phép tất cả doanh nghiệp nối lại hoạt động trong tuần này.

Các quán cà phê ở thủ đô Paris đã mở cửa trở lại. Người dân khắp đất nước cũng sẽ được dùng bữa bên trong nhà hàng, không chỉ trên các sân thượng ngoài trời. Tuy nhiên, Macron vẫn cảnh báo việc kinh doanh chưa thể như bình thường.

"Mùa hè năm 2020 sẽ không giống bất kỳ mùa hè nào khác. Chúng ta cần theo dõi diễn biến của dịch bệnh, nhằm đề phòng trường hợp nó trở lại với sức tấn công mới", Tổng thống Pháp phát biểu.

Khẩu trang, vật dụng từng hiếm khi xuất hiện tại châu Âu, giờ đây là điều bình thường. Giao thông nhộn nhịp trở lại, nhưng thủ đô Paris vẫn vắng bóng khách du lịch, khiến những khu vực mang tính biểu tượng như Tháp Eiffel và Đại lộ Champs-Elysees vắng vẻ hơn nhiều so với trước đây.

"Chúng tôi không có thời gian để chuẩn bị mọi thứ", Laurent Blouard, chủ một cửa hàng cà phê ở trung tâm Paris, đề cập tới việc gọi nhân viên trở lại và sắp xếp bàn ghế sao cho đúng quy tắc cách biệt cộng đồng. "Chúng tôi đột ngột đóng cửa, rồi nối lại hoạt động trong chớp mắt".

Một quán cà phê gần bảo tàng Louvre, trung tâm thu hút khách du lịch của Paris, vắng tanh. Nhà hát bên kia đường vẫn đóng cửa, do những cơ sở giải trí như rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc chưa được phép hoạt động trở lại. "Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng không có khách", Yohan Legendre, bồi bàn của quán cà phê, cho hay.

Tại Bỉ, sự sụt giảm đều đặn số ca nhiễm mới khiến nhiều người cảm thấy đủ yên tâm để chào hỏi nhau bằng một nụ hôn trên má. "Hầu hết khách hàng quen của chúng tôi đã trở lại. Họ muốn chào bằng cách hôn lên má với tôi. Dường như mọi người thực sự không còn quan tâm đến dịch bệnh nữa", Silvia Mihaylova, quản lý một quán bar ở Brussels, nói.

Bên cạnh mục tiêu vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ, chính phủ các nước châu Âu còn đối mặt với sự mệt mỏi và nỗi tuyệt vọng của người dân sau nhiều tháng bị cô lập và lo sợ.

Anh nằm trong số những quốc gia châu Âu cuối cùng đóng cửa nền kinh tế, cũng là một trong những nước tái mở cửa muộn nhất và tiến hành một cách thận trọng nhất. Các cửa hàng quần áo hoạt động trở lại hôm 15/6, nhưng khách không được sử dụng phòng thử đồ. Hiệu sách cho phép đọc lướt, nhưng khách hàng phải đặt những cuốn sách họ chạm vào mà không mua vào chỗ "cách ly" riêng.

Lần đầu tiên tất cả người sử dụng phương tiện công cộng tại Anh bắt buộc đeo khẩu trang. Các nhà hàng, quán rượu, phòng gym vẫn đóng cửa. Anh chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn biên giới, nhưng vẫn yêu cầu hành khách nhập cảnh cách ly 14 ngày, trừ những người tới từ Ireland.

Tuy nhiên, nhiều người London dường như không còn đủ kiên nhẫn với các biện pháp cách biệt cộng đồng. Ngay cả trước khi các cửa hàng nối lại hoạt động hôm 15/6, người dân đã chen chúc trong công viên và mua bia bán trước cửa quán rượu, tương tự cảnh tượng tại New York, Mỹ, khiến Thống đốc Andrew Cuomo phải cảnh báo có thể phong tỏa trở lại.

Thực khách dùng bữa trưa trong một nhà hàng tại Paris, Pháp, hôm 15/6. (Ảnh: Reuters).

Các điểm du lịch hè hàng đầu châu Âu đang tăng tốc thu hút du khách. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hồi cuối tuần tới đảo Santorini du lịch để gửi đi thông điệp cá nhân. "Chúng tôi đang mở cửa cho du khách và thực hiện điều đó với ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của mọi người", ông phát biểu tại hòn đảo nổi tiếng, nhưng giờ đây vắng vẻ khác thường.

Động thái của Hy Lạp dường như đã thúc đẩy giới chức Tây Ban Nha hành động. Thủ tướng Pedro Sanchez cuối tuần trước tuyên bố Tây Ban Nha sẽ gỡ lệnh cách ly đối với du khách từ ngày 21/6. Cùng ngày, họ cũng sẽ tái mở cửa biên giới với Pháp, tiếp đó là biên giới với Bồ Đào Nha vào ngày 1/7.

Kể từ khi Tây Ban Nha, nơi từng là điểm nóng Covid-19 của thế giới, nới lỏng phong tỏa, một vài cụm lây nhiễm nhỏ đã xuất hiện tại các địa phương, thường bắt nguồn từ sự kiện nào đó, như bữa tiệc được tổ chức bên trong một bệnh viện lớn ở thủ đô Madrid.

Các biện pháp hạn chế tại Madrid và Barcelona vẫn chặt chẽ hơn so với những khu vực khác của đất nước. Tuy nhiên, nhiều người không đợi được đến khi chính quyền ban lệnh nới phong tỏa. Các bãi biển tại Barcelona gần đây đông đúc như những mùa hè bình thường, cho đến khi giới chức ngăn chặn.

"Ai cũng chán nản với lệnh phong tỏa và muốn trở về cuộc sống bình thường càng nhanh càng tốt", Jose Martinez, chủ một quán cà phê tại thành phố Seville, Tây Ban Nha, cho hay. "Tuy nhiên, tôi cá là không ai đứng ra chịu trách nhiệm nếu một làn sóng lây nhiễm khác ập tới".

Theo VNE

Các tin cũ hơn