Ngày 15-6, tại phiên Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã dành phần lớn thời gian trong bài phát biểu của mình để nói về vụ án Hồ Duy Hải.
“Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt”
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói vụ án Hồ Duy Hải xảy ra từ năm 2008, trải qua quá trình tố tụng nhiều cấp, đã được liên ngành thẩm định. Đoàn giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2015 đã xem xét về vụ án này…
Theo ông Bình, Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội. Lời khai nhận tội đầu tiên, Hải tự viết ra khá chi tiết chứ không phải là bản hỏi. “Ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội. Khi nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra, Hải nhận tội. Khi nhận cáo trạng của VKS, Hải cũng khẳng định đúng. Sau phiên tòa sơ thẩm hay phúc thẩm, kể cả khi gửi đơn cho Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình, Hải cũng không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ Hải ở ngoài trại giam” - ông Bình khẳng định.
Chánh án TAND Tối cao sau đó phân tích nhiều điểm mấu chốt và nói: “Câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không. Tôi sẽ trả lời câu hỏi Hồ Duy Hải có oan sai hay không, có phạm tội hay không”.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đang trả lời trước Quốc hội ngày 15-6. Ảnh: TTXVN
“Không có mặt ở hiện trường thì không mô tả được”
Về chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng Hải đã mô tả chính xác những đồ vật có trên hiện trường, nếu không có mặt thì không mô tả được. “Những đồ vật trong phòng ngủ của Hồng, nếu không có mặt ở hiện trường thì không biết được. Vị trí những đồ vật rời như con gấu, tờ báo, cốc nước… nay có thể để chỗ này, mai chỗ khác nhưng Hải đã mô tả chính xác vị trí” - ông Bình nói.
Theo hồ sơ vụ án, Hải có ý định quan hệ tình dục với Hồng nên đưa tiền cho Vân ra ngoài mua trái cây. Ở nhà, Hải dẫn Hồng vào phòng ngủ. Hải khai quá trình sờ soạng, Hồng không nói gì nhưng khi đè Hồng ra, Hồng phản ứng đạp vào bụng Hải… “Hiện trường để lại, áo ngực của Hồng ở trên ngực, phản ứng bình thường của người phụ nữ khi ngồi dậy là phải sửa cái này nhưng do phản ứng tức thì nên cô gái không kịp sửa” - chánh án phân tích.
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện Hồng bỏ chạy, sợ lộ Hải đuổi theo. Hồng ngã gần một chiếc thớt nên Hải dùng thớt đập vào đầu, sau đó cắt cổ Hồng. Ông Bình nói bản ảnh hiện trường là thớt dính máu nằm bên cạnh đầu Hồng. Đỉnh đầu Hồng có một vết thương, kết luận pháp y do tác động của vật cứng mặt phẳng.
Ngoài ra, cũng theo kết luận giám định pháp y, âm đạo của Hồng có dịch, cơ chế hình thành dịch do quá trình kích dục có sự đụng chạm vào chỗ nhạy cảm.
Về tài sản cướp được, Hải khai sau khi giết hai cô gái có lấy một số tiền, SIM card và một số nữ trang của hai cô gái. Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết Hải lấy được những gì. Khi bắt được Hải, Hải khai lấy được dây chuyền của hai cô gái. Gia đình, người thân nạn nhân mô tả đúng đồ vật hai cô gái này có. Bưu điện cũng đã nói rõ họ mất bao nhiêu tiền, bao nhiêu SIM card.
“Hải khai lấy dây chuyền của Vân không có mặt, của Hồng là dây chuyền có mặt. Kết quả khám nghiệm hiện trường, mặt dây chuyền của Vân nằm trên ngực áo Vân” - ông Bình nói.
Ngoài ra, ông Bình cho rằng cơ quan điều tra yêu cầu Hải khai địa chỉ tiêu thụ, Hải đã vẽ chính xác địa chỉ nơi tiêu thụ ở cửa hàng vàng và cửa hàng tiêu thụ đồ cướp được. “Có chi tiết cơ quan tố tụng thấy phù hợp rất ngẫu nhiên. Hải khai quầy này có người phụ nữ lớn tuổi hơn bán, quầy kia có người phụ nữ ít tuổi hơn bán” - vẫn lời ông Bình.
Về giá cả, cơ quan điều tra xác minh giá chiếc điện thoại cũ ở thời điểm đó là 200.000 đồng, phù hợp lời khai của Hải bán được 200.000 đồng. Phương thức thanh toán và giá cả những đồ trang sức Hải mua phù hợp với phương thức thanh toán Hải đã khai…
“Sẵn sàng trao đổi thông tin vụ Hồ Duy Hải”
Chánh án TAND Tối cao cũng cho biết ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không biết thớt là hung khí. Khi bắt được Hải, Hải khai dùng thớt đập vào đầu nạn nhân. “Lúc đó người ta mới biết thì thớt đã bị dọn đi” - ông Bình lý giải.
Về hung khí con dao, Hải khai bên tường nhà bưu điện có một cái bảng, Hải đã giắt con dao vào đó, không ai tìm thấy, chỉ có Hải biết được vị trí. Sau khi khám nghiệm hiện trường, có ba dân phòng vào dọn, phun nước, dỡ bảng ra thì thấy có một con dao rơi xuống, họ sơ suất vứt con dao đi. Cơ quan điều tra đi tìm không được. Sau này, công an cho ba dân phòng mô tả lại và đi mua.
“Dư luận nói mua dao về thay hung khí nhưng hồ sơ vụ án không có chỗ nào thể hiện mua dao về thay hung khí cả. Công an mua dao, thớt là vật tương tự để Hải và những người có liên quan nhận diện xem có đúng con dao có tại hiện trường và là hung khí không. Kết quả, để một loạt dao, Hải nhận diện đúng dao gây án” - ông Bình nói.
Chánh án TAND Tối cao cũng khẳng định mặc dù lời khai của Hải lúc thế này lúc thế khác, lúc ngắn lúc dài nhưng khi nhận diện, Hải nhận diện đúng con dao công an phường vứt đi khi dọn.
“Còn nhiều nội dung khác không thể nói hết trong thời gian ngắn. Đại biểu nào quan tâm, chúng tôi sẵn sàng trao đổi thông tin” - ông Bình kết luận.
Đạt nhiều thành tựu trong cải cách tư pháp Cũng tại phiên thảo luận, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho biết những ngày qua, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của nhiều người, kể cả của những cán bộ cấp cao đã về hưu. “Họ nói chưa từng bao giờ thấy niềm tin đối với nền tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ. Tôi ngồi cả đêm đọc, xem xét từng bản ảnh của vụ án Hồ Duy Hải. Có rất nhiều những vấn đề liên quan đến công tác tố tụng tôi phát hiện ra. Những sai lầm của tố tụng, của tư pháp, đừng đổ lỗi cho những người ĐBQH làm rối. ĐBQH phẩm chất không bao giờ đi làm rối đất nước này” - ông Nhưỡng nói. Ông Nhưỡng đề nghị cần có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với công tác tư pháp, đặc biệt là có chuyên đề giải quyết những vụ án nghiêm trọng. Bấm nút tranh luận ngay sau đó, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền (Đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ) cho rằng không nên đánh giá hoạt động của cơ quan tư pháp thời gian gần đây như vậy. “Nếu chúng ta chỉ qua một vài vụ việc để đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên” - ông Quyền nói. Theo ông Quyền, hoạt động tư pháp thời gian qua tuy có cái sai, có việc làm chưa tốt nhưng nền tư pháp cũng đạt được nhiều thành tựu qua mấy chục năm tiến hành cải cách tư pháp. “Quan trọng nhất bây giờ là làm sao để các cơ quan tư pháp cùng nhau sửa sai, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để tới đây chúng ta cùng đưa hoạt động tư pháp tốt hơn, chất lượng, hiệu quả hơn, tránh được cái oan, cái sai cho người dân…” - ông Quyền nói. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) cũng cho rằng nhận định trên đã phủ định sạch trơn nền tư pháp. Phát biểu trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 48 về xây dựng pháp luật và Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Theo ông, quá trình tổng kết hai nghị quyết này khẳng định chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cải cách tư pháp. Đặc biệt là về xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ, xây dựng các thể chế bổ trợ tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Diễn biến vụ án Hồ Duy Hải cho tới nay Tháng 1-2008, tại Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, Long An xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Hai nữ nhân viên bưu điện này bị sát hại dã man. Qua truy xét, Công an tỉnh Long An bắt giữ Hồ Duy Hải. Đến tháng 12-2008, vụ án được đưa ra xử sơ thẩm, tuyên án tử hình bị cáo về hai tội giết người, cướp tài sản. Hải có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đến tháng 4-2009, cấp phúc thẩm xử bác đơn. Liền sau đó, tử tù này làm đơn xin Chủ tịch nước ân giảm. Tháng 5 và tháng 10-2011, cả Chánh án và Viện trưởng tối cao đều ra quyết định không kháng nghị và đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Tháng 5-2015, Chủ tịch nước ra quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hải. Tháng 12-2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, tạm dừng thi hành án với Hồ Duy Hải và yêu cầu chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét lại vụ án… Tháng 2-2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ra văn bản đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Tháng 11-2019, Viện trưởng VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị và đến ngày 6-5 rồi, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên giám đốc thẩm, sau đó ra phán quyết bác kháng nghị này. Sau đó, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí có báo cáo gửi Chủ tịch nước và Quốc hội về vụ án này. Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định viện vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo thủ tục đặc biệt, quy định tại Điều 404 BLTTHS. |
Theo PLO