"Việc tái bùng phát dịch ở Bắc Kinh là bài học chúng ta", ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sáng 15/6 nói với VnExpress.
"Trong tình hình mới, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch, để Việt Nam không tái bùng dịch như Bắc Kinh", ông Phu nói.
Dịch bệnh Covid-19 ở Bắc Kinh gần giống Việt Nam trong thời gian qua.
Về thời gian, dịch tái phát ở Bắc Kinh sau 56 ngày không lây nhiễm cộng đồng, còn Việt Nam ở ngày thứ 60 không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
Hơn 21 triệu dân Bắc Kinh thời gian qua nghĩ rằng họ cuối cùng cũng có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường, song một đợt bùng phát Covid-19 mới lại xuất hiện. Chỉ trong hai ngày Bắc Kinh ghi nhận 42 ca nhiễm mới liên quan tới chợ đầu mối nông sản Xinfadi (Tân Phát Địa). Đến ngày 14/6, số ca nhiễm lên gần 80.
Nhiều người Việt Nam hai tháng qua cũng trong tâm trạng buông lỏng phòng dịch, tương tự người Bắc Kinh. Hầu như các hoạt động kinh doanh, giải trí, dịch vụ, đi lại... trong nước đã trở lại bình thường.
Việt Nam đã trải qua 60 ngày không xuất hiện ca lây nhiễm nCoV cộng đồng, chứng tỏ việc phòng chống dịch vẫn đảm bảo. Song, ông Phu nhận định "chính quyền địa phương một số nơi và người dân đã có dấu hiệu chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh".
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giảm sát, phòng bệnh trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhiều địa phương thực hiện không nghiêm ngặt. Người dân thì chủ quan không còn đeo khẩu trang nơi có nguy cơ, không thực hiện rửa tay sát khuẩn...
Về tính chất, theo ông Phu, dịch bệnh ở Bắc Kinh gần giống với Việt Nam trong thời gian qua, tức là không bùng phát mạnh như Vũ Hán, mà xuất hiện các ca nhiễm, ổ dịch nhỏ và dập được ngay. Tuy nhiên, Bắc Kinh, Trung Quốc, ở sát Việt Nam nên nguy cơ xâm nhập dịch là rất cao.
Mới đây, ngày 13/6 Bộ Y tế ghi nhận một ca nhiễm nCoV, là thanh niên đi du lịch Trung Quốc nhập cảnh ở Quảng Ninh. Ca này được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Điều này cho thấy Việt Nam cần cảnh giác hơn nữa với các nguồn lây nhiễm từ ngoài vào.
Ông Trần Đắc Phu. |
Làm gì để tránh tái bùng phát dịch?
Theo ông Phu, hiện Việt Nam "cần duy trì, làm tốt việc be chặt bên ngoài", tức kiểm soát người nhập cảnh, cách ly tập trung ngay, xét nghiệm sàng lọc kịp thời. Việc này, Việt Nam đã thực hiện tốt ngay từ đầu dịch, góp phần ngăn chặn Covid-19 xâm nhập.
Ở trong nước, ông Phu cho rằng cần phải tiếp tục phát hiện sớm ca nhiễm trong cộng đồng nếu có bằng cách tăng cường giám sát, đặc biệt là những ca có triệu chứng như sốt, ho, khó thở... Khi phát hiện ca nhiễm, cần khoanh vùng ngay, dập dịch kịp thời, tránh lây lan. Người dân cũng cần tuân thủ phòng dịch trong điều kiện mới như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng đồng quan điểm với ông Phu. Bác sĩ Khanh khuyến cáo Việt Nam đề cao cảnh giác trước các trường hợp đi về từ vùng dịch Covid-19, không chỉ người về từ Trung Quốc.
"Covid-19 trên thế giới chưa ổn định, chưa rõ dịch bệnh còn tiềm ẩn ở khu vực nào", bác sĩ Khanh nói.
Do đó, Việt Nam không lơi lỏng cảnh giác, trong đó cần duy trì các biện pháp kiểm soát và hạn chế người đi qua biên giới, đường hàng không, đường biển. Đối với đường bộ, nguồn lây có thể đến từ người dân di chuyển trên phương tiện công cộng, xe khách đường dài. Người dân nên tiếp tục duy trì các biện pháp đeo khẩu trang, vệ sinh tay, tuy không còn giãn cách xã hội.
Có nên mở lại đường bay quốc tế?
Các chuyên gia nhận định Covid-19 có thể tới tháng 8 mới lắng xuống. Bác sĩ Khanh cho rằng Việt Nam cần đợi khi Covid-19 ổn định mới nên mở cửa thông thương.
Theo ông Phu, "có thể mở lại đường bay quốc tế nhưng quan trọng phải quản lý được con người".
Ông Phu đề xuất, khi mở lại hàng không quốc tế, người nhập cảnh cần tuân thủ cách ly 14 ngày. Đối với các chuyên gia đến Việt Nam làm việc, hội họp, phải có quy định riêng như ở riêng một khu, xét nghiệm hai ngày một lần, khi họp đeo khẩu trang, ngồi cách nhau 2 mét.
Tuy nhiên, trước khi quyết định mở lại đường bay quốc tế, các ngành cần phải bàn bạc, đánh giá về năng lực cách ly tập trung, cơ sở cách ly, người phục vụ cách ly. Trong thời gian cao điểm dịch vừa qua, các trường học, ký túc xá... được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Tuy nhiên hiện nay học sinh, sinh viên đã đi học trở lại.
Về kinh tế, việc miễn phí cách ly ăn ở chăm sóc 14 ngày cũng nên được cân nhắc.
"Phải bàn lại xem Việt Nam đủ năng lực đáp ứng không, khi mở cửa đường bay quốc tế trở lại", ông Phu nhấn mạnh.
Theo VNE