|
Ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, trong một lần tập trận ở Tây Thái Bình Dương cùng với chiến hạm Nhật năm 2017 |
Theo tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 15.6, động thái của Mỹ đã được truyền thông nước ngoài giải thích rằng đây như một lời cảnh báo đối với Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định rằng Trung Quốc có thể đương đầu bằng cách tổ chức các cuộc tập trận, theo Hoàn Cầu thời báo.
Tờ báo còn nhấn mạnh Trung Quốc hiện sở hữu “vũ khí sát thủ tàu sân bay” như các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26.
Động thái trên diễn ra sau khi hãng AP ngày 12.6 đưa tin 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ là USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan và USS Nimitz tuần tra cùng lúc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo AP, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan khi đó đang hoạt động ở biển Philippines, còn nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz hiện diện ở Thái Bình Dương tại khu vực ngoài khơi bờ Tây nước Mỹ.
Trước đó, Hạm đội Thái Bình Dương thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã được triển khai từ TP.San Diego (bang California) vào ngày 8.6 để hỗ trợ các hoạt động an ninh biển toàn cầu. Theo AP, đây là lần đầu tiên trong gần 3 năm qua, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tuần tra cùng lúc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt rời đảo Guam ngày 4.6 |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với AP, chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy các chiến dịch tại Bộ Tư lệnh Indo-Pacific Mỹ, cảnh báo Bắc Kinh đang phát triển các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, triển khai tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử đến đó.
"Lời răn đe"
“Bằng cách tập trung các tàu sân bay trên, Mỹ đang cố gắng chứng minh cho cả khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, vì họ có thể đi vào Biển Đông...”, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Lý Kiệt, một chuyên gia về hải quân tại Bắc Kinh, cho hay. Ông Lý nói rằng việc Mỹ triển khai tàu như vậy dễ làm bùng phát đợt lây nhiễm Covid-19 mới trên các tàu.
Chuyên gia Trương Tuấn Xã thuộc Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc nói “lần cuối cùng Mỹ điều 3 tàu sân bay đến khu vực trên cùng một lúc là năm 2017. Mặc dù việc Mỹ triển khai 3 tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương không phổ biến, song chuyện này từng xảy ra trước đây, vì vậy đây không phải là chuyện mới”. Theo tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Trương, hải quân Mỹ quyết định điều các nhóm tác chiến tàu sân bay để phô trương sức mạnh quân sự ở Tây Thái Bình Dương, và để cho các nước khác thấy rằng năng lực chiến đấu của Mỹ cuối cùng không bị cản trở bởi đại dịch Covid-19.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc |