Bệnh nhân COVID-19 thứ 24 tử vong tại Việt Nam

Chủ nhật, 16/08/2020, 09:05
Sáng ngày 16/8/2020, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19. Đây là ca tử vong do COVID-19 thứ 24 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam.

Bệnh nhân 575 (BN 575): Bệnh nhân nữ, 82 tuổi, địa chỉ Hải Châu – Thành phố Đà Nẵng.

Tiền sử: Viêm màng não.

9g ngày 9/7/2020, bà chóng mặt, nôn mửa được con gái đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào khoa Nội tổng hợp điều trị đến ngày 21/7 thì được cho xuất viện.

17g ngày 22/7, bà nhập viện tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng. Đến 21g30 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển vào khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng.
6g ngày 23/7, bệnh nhân được chuyển vào khoa Nội thần kinh đến nay. Có 4 người con và 1 cháu ngoại tiếp xúc với bệnh nhân trong quá trình chăm sóc.

Ngày 31/7, bệnh nhân được thông báo nhiễm SARS-CoV-2 và chuyển lên điều trị, cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.

Bệnh nhân tử vong tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang được chẩn đoán: Viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp nặng, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm màng não.

Như vậy, tính đến thời điểm này, có 24 trường hợp mắc COVID-19 ở nước ta tử vong từ đầu vụ dịch đến nay đó là các bệnh nhân (BN496, BN426, BN429, BN524, BN475, BN499, BN428, BN437, BN 651, BN 718, BN456, BN430, BN737, BN436, BN 522. BN832, BN485, BN623, BN479 BN585 và BN702, BN699, BN 575).

Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, nhiều bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn này diễn biến nặng, tăng nặng, đặc biệt là diễn biến nguy kịch rất nhanh

Nhiều bệnh nhân COVID-19 trên nền bệnh mãn tính phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, hoặc thở oxy…

Phân tích cụ thể hơn về cơ chế gây tăng nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, nhóm người nói trên khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.

“Đây là dấu hiệu rất đáng nguy hại, vì những bệnh nhân này nói chung và bệnh nhân suy thận mạn nói riêng sẽ không chỉ bị duy nhất bệnh này, mà còn kèm theo các bệnh nặng khác như tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp… Khi virus tấn công, các cơ quan sẽ dễ tổn thương, sức đề kháng giảm nhiều” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Một chuyên gia về lão khoa cho hay, sức đề kháng của nhóm người cao tuổi, mắc bệnh lý nền thường giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, COVID-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong.

Theo TPO

Các tin cũ hơn