Đây là hạn ngạch thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Trong đó, có 20.000 tấn gạo đã chà xát, 30.000 tấn gạo đã xay và 30.000 tấn gạo thơm, và chỉ cấp cho 23 chủng loại gạo thơm của Việt Nam được vào thị trường EU (Hoa nhài 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào…).
Phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại gạo
Hạn ngạch 80.000 tấn gạo xuất khẩu vào EU hàng năm không do Việt Nam phân bổ mà EU sẽ trực tiếp phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu của họ. Vì vậy, để có thể tận dụng hết số hạn ngạch gạo được cấp, các doanh nghiệp Việt Nam phải liên hệ với các đối tác tại EU, những đầu mối có hạn ngạch nhập khẩu gạo để giao dịch, chào bán…
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hạn ngạch 80.000 tấn gạo mà EU cấp cho Việt Nam sẽ được phân ra một số chủng loại gạo, trong đó có các loại gạo đã xây xát rồi, gạo thơm và một số loại gạo khác.
Đối với mỗi loại gạo sẽ có từng khoảng thời gian phân kỳ, phân giao hạn ngạch cụ thể và EU sẽ phân giao hạn ngạch cho doanh nghiệp của họ, còn doanh nghiệp Việt Nam nếu có đối tác ở EU thì tự trao đổi với đối tác xem họ có được phân giao hạn ngạch nhập khẩu gạo hay không, và doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn thuần là làm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
“Riêng đối với 30.000 tấn gạo thơm kể từ khi đàm phán với Việt Nam, EU cũng đã có một số nguyên tắc nhất định đó là phải có giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm, tức là ngoài chứng nhận xuất xứ và EU còn yêu cầu một loại giấy gọi là giấy chứng nhận đúng chủng loại (Authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến trong tuần này dự thảo Nghị định về giấy chứng nhận sẽ được bộ này trình lên Chính phủ”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Vẫn theo Cục Xuất nhập khẩu, trước khi EVFTA có hiệu lực tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tiếp nhận các thông tin về EVFTA và hạn ngạch xuất khẩu hàng hoá sang EU từ rất lâu, vì trình đàm phán ký kết và cuối cùng là trình Quốc hội phê chuẩn thời gian kéo dài gần 2 năm nên các doanh nghiệp cũng đã nắm bắt được vấn đề.
Trong tời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn bằng rất nhiều hình thức như tập huấn bằng hội thảo, tọa đàm và đăng tải thông tin bằng văn bản…
Doanh nghiệp vẫn băn khoăn về chứng nhận
Bên cạnh đó, Bộ còn tham gia tổ chức ít nhất là 5 buổi hội thảo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng chủ trì, và gần đây nhất là hội nghị do Cục Xuất nhập khẩu tổ chức ngày 30/6/2020, tại TP.HCM do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì, có hơn 500 doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham dự và được nghe tiếp cận đầy đủ thông tin.
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP.HCM, dù đã được cung cấp nhiều thông tin về EVFTA cũng như về hạn ngạch nhập khẩu 80.000 tấn gạo của EU, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn có một trăn trở về những quy định liên quan đến nghị định gạo thơm, vì đối với doanh nghiệp việc EU đòi hỏi phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại gạo giống như thêm một giấy phép con.
Không phải đợi đến bây giờ mà tại hội nghị hôm 30/6/2020 tại TP.HCM, có một số doanh nghiệp phản ánh “nếu bây giờ cần phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại gạo mới được phép xuất vào EU cũng giống như phải có thêm một loại giấy phép, và điều này đã làm cho các doanh nghiệp cảm thấy băn khoăn”.
Song, vấn đề này đã được hai Bộ trưởng giải thích rất rõ ở hội nghị. Đấy là do yêu cầu của phía EU chứ không phải do Bộ Công thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, nhưng các đơn vị chức năng sẽ luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp.
Gạo vì là mặt hàng “hơi” nhạy cảm nên ngoài việc EU sẽ phân kỳ, phân giao, phân bổ cho doanh nghiệp họ còn yêu cầu phải có giấy chứng nhận đúng chủng gạo, và doanh nghiệp của EU sẽ liên lạc với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam làm sao để có hạn ngạch và giấy chứng nhận xuất xứ để xuất sang đây, tất nhiên là phải đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật củathị trường này.
Do vậy, kể từ ngày 1/8, khi EVFTA bắt đầu có hiệu lực, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng thống nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lúc chờ ban hành nghị định có thể xem xét ban hành quy chế tạm thời để doanh nghiệp có thể thực hiện xuất khẩu gạo sang EU. Đối với chủng loại gạo thơm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cố gắng gấp rút hoàn thiện để nghị định được triển khai sớm nhất có thể, còn đối với các loại khác thì các doanh nghiệp đang thực hiện một cách bình thường.