Ngày 19-8, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết từ cuối tháng 7, Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS) đã đồng ý cử nhân viên sang Việt Nam để kiểm dịch cho các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho việc cấp phép thủ tục lên máy bay gặp nhiều khó khăn từ cả hai phía Việt Nam và Mỹ, do vấn đề sức khỏe con người là ưu tiên cao nhất.
Nhân viên kiểm dịch thực vật của Mỹ đang kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu tại một công ty Việt Nam. Ảnh: QUANG HUY
"Thủ tục xin cấp phép cho chuyên gia của APHIS lên máy bay phải có phương án cách ly, đưa đón. Nhưng muốn có phương án cách ly phải biết thông tin chuyến bay, thông tin về hộ chiếu và visa, những thông tin này chỉ có được sau khi phía Mỹ cho phép chuyên gia đến Việt Nam. Chúng tôi đã có những thông tin này để làm thủ tục phía Việt Nam, nhưng hiện nay các chuyến bay thương mại chưa có, nên chưa có thông tin chuyến bay để lên phương án..." - ông Hiếu cho biết.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, hiện cơ quan này đang nỗ lực tìm chỗ trên một số chuyến bay của Asiana, Korea Air, Nippon Airline và cả chuyến bay của bảo hộ công dân... để nhân viên kiểm dịch của APHIS sang Việt Nam.
"Chúng tôi tìm được chuyến nào thì lấy chuyến đó để nhân viên kiểm dịch của APHIS sang Việt Nam sớm nhất có thể. Hôm qua cũng có một chuyến nhưng không làm kịp thủ tục nên bị lỡ" - ông Hiếu thông tin.
Như PLO đã thông tin, bắt đầu từ tháng 3 năm nay, dịch COVID-19 bùng phát, Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của APHIS.
Khi Mỹ rút toàn bộ nhân viên về nước, những người làm việc trong Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam được linh động đến thực hiện việc kiểm dịch tạm thời cho trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, hơn một tuần nay, các nhân viên nhận ủy quyền thực hiện kiểm dịch tạm thời đã bận việc chính của họ nên không thể thực hiện tiếp việc kiểm dịch.
Do đó, việc xuất khẩu trái cây tươi như nhãn, xoài, thanh long, chôm chôm… của Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng bị ngừng trệ. Nếu tình hình này kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn. Kéo theo đó là các nhà vườn, trang trại cũng chịu ảnh hưởng theo.
Theo PLO