Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hong Kong, sau Trung Quốc. Ngược lại, thành phố này là đối tác thương mại lớn thứ 21 của Mỹ. Quan hệ thương mại song phương có nguy cơ xấu đi sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận với Quốc hội nước này rằng Hong Kong không còn được hưởng quyền tự trị cao từ Bắc Kinh, do Trung Quốc thông qua nghị quyết về xây dựng luật an ninh mới cho đặc khu.
Được xác nhận là tự chủ đã giúp Hong Hong nhận được những ưu đãi và đối xử khác biệt với cách mà Mỹ đối xử với Trung Quốc. Do đó, khi Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng, các quan chức nước này bắt đầu xúc tiến các lệnh trừng phạt lên đặc khu.
"Thiệt hại kinh tế ngắn hạn từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể kiểm soát được, nhưng nó sẽ đẩy nhanh sự suy giảm vị thế trung tâm kinh doanh quốc tế của Hong Kong", Mark Williams, Chuyên gia kinh tế châu Á tại Capital Economics, bình luận.
Chính quyền Hong Kong chỉ trích các động thái của Mỹ là phi lý và cảnh báo rằng các công ty Mỹ cũng sẽ bị tổn thương. Họ chỉ ra lịch sử thặng dư thương mại lớn mà Mỹ được hưởng lợi trong cán cân thanh toán song phương.
Cụ thể, các khoản thặng dư cho Mỹ có quy mô khoảng 297 tỷ USD trong thập kỷ đến năm 2018. Tuần trước, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố Mỹ sẽ làm tổn hại lợi ích của chính họ nếu chống lại hoạt động thương mại với đặc khu. Trước đó, Donald Trump nói rằng Mỹ có kế hoạch loại bỏ các đặc quyền thương mại của Hong Kong, nhưng ông vẫn chưa nêu chi tiết cụ thể.
Tàu hàng tại một cảng biển của Hong Kong. Ảnh: Bloomberg
Chiến tranh thương mại kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Mỹ và Hong Kong, với kim ngạch năm ngoái giảm sâu nhất trong gần 10 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, bao gồm cả hàng tái xuất sang Mỹ của Hong Kong đạt 40 tỷ USD vào năm ngoái, giảm 15% so với năm trước do cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và bất ổn chính trị.
Hong Kong tự sản xuất tương đối ít. Xuất khẩu nội địa chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của đặc khu. Hành động của Mỹ trên mặt trận này không có khả năng làm tổn thương nền kinh tế địa phương.
Trong khi đó, hoạt động tái xuất của Hong Kong chưa bao giờ đủ điều kiện hưởng thuế quan ưu đãi của Mỹ. Do đó, không rõ nếu Mỹ có thể làm gì nếu muốn nhắm vào vai trò là một trung tâm tái xuất hàng hóa của Hong Kong, vốn mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp thương mại đặt văn phòng tại Hong Kong và xử lý hoạt động tái xuất khẩu/nhập khẩu với Trung Quốc. Công việc của họ là giúp các công ty nước ngoài tránh thuế của Trung Quốc và không phải xin giấy phép từ Bắc Kinh khi số hàng vận chuyển trực tiếp sang Trung Quốc vượt hạn ngạch. Hàng hóa tái xuất khẩu là những mặt hàng đã được nhập khẩu, sau đó xuất khẩu lần nữa sang nước thứ ba khi vẫn còn nguyên giá trị gia tăng.
Theo dữ liệu của Hong Kong, năm ngoái, Trung Quốc chiếm 56% hoạt động tái xuất của đặc khu, tương đương khoảng 288 tỷ USD. Trong khi đó, Mỹ là thị trường tái xuất lớn thứ hai của đặc khu, chiếm khoảng 7,6%. Trung Quốc cũng là nguồn tái xuất lớn nhất của Hong Kong từ trước đến nay, chiếm 57% vào năm 2018,
Một khía cạnh khác của vai trò thương mại Hong Kong là trong việc di chuyển hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đại lục. Năm 2018, khoảng 8% xuất khẩu của Trung Quốc đại lục sang Mỹ, tương đương khoảng 37 tỷ USD, đã đi qua Hong Kong. Chiều ngược lại, 10 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đại lục năm đó đi qua đặc khu.
Trong số nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Hong Kong là một loạt các sản phẩm đặc biệt, cần có sự phê duyệt của các cơ quan bao gồm Cục Công nghiệp và An ninh của Mỹ. Những mặt hàng này có thể có công nghệ nhạy cảm hoặc sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, được gọi là công nghệ sử dụng kép. Vì vậy, Trump đã chọn các công nghệ sử dụng kép như một mục tiêu tiềm năng.
Hong Kong thường tái xuất nhiều hàng hóa như vậy sang Trung Quốc. Ví dụ, 2 năm qua, nơi đây đã nhập khoảng 42.000 kính ngắm xa cho súng từ khắp thế giới, bao gồm 1.776 từ Mỹ và tái xuất khoảng 6.000 sang Trung Quốc.
Một số hàng xuất khẩu như vậy sang Hong Kong đã giúp Trung Quốc tuân thủ các quy định của Mỹ. Năm 2017, Asia Satellite Telecommunications, một nhà điều hành vệ tinh có trụ sở tại Hong Kong nhưng thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghiệp nhà nước Trung Quốc Citic Group, đã mua một vệ tinh liên lạc trị giá 164 triệu USD từ Mỹ và chuyển đến Hong Kong để né lệnh cấm các công ty Mỹ xuất khẩu vệ tinh sang Trung Quốc.
Các lô hàng công nghệ nhạy cảm từ Mỹ đến Hong Kong những năm gần đây còn có chip bán dẫn, máy khối phổ, thiết bị phá vỡ các phân tử và các thiết bị công nghệ cao trong kỹ thuật di truyền và phân tích môi trường, theo dữ liệu của BIS.
Hong Kong cũng là một trung tâm tái xuất quan trọng sang Trung Quốc cho các sản phẩm chip của các nhà sản xuất công nghệ lớn trên thế giới. Điện tử chiếm khoảng hai phần ba tổng xuất khẩu của Hong Kong, với một phần đáng kể là các sản phẩm công nghệ cao bao gồm chất bán dẫn.
Đặc khu năm ngoái đã tái xuất sang Trung Quốc khoảng 37.300 máy chụp ảnh nhiệt, được sử dụng trong các công việc dân sự như chữa cháy nhưng cũng rất cần thiết cho quân đội. Nơi này đã nhập khoảng 48.000 chiếc, với khoảng 8.000 từ Mỹ.
Ngay cả trước khi vấn đề luật an ninh mới nổi lên, vào tháng 4/2020, Mỹ đã cảnh giác với việc chuyển giao công nghệ cho nước ngoài, bằng cách thắt chặt kiểm soát với các nhà tái xuất, yêu cầu nhà nhập khẩu xin thêm giấy phép từ Mỹ. Động thái này nhắm vào các phần mềm và thiết bị viễn thông công nghệ sử dụng kép, mà Mỹ có các đối thủ chiến lược như Trung Quốc và Nga.
Mỹ kiềm chế thương mại của Hong Kong có thể sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng cho thành phố, khi phải đối mặt với Covid-19 và các cuộc biểu tình khiến kinh tế suy thoái vào năm ngoái.
Thương mại và logistics chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản lượng kinh tế của Hong Kong. Dữ liệu mới nhất cho thấy các thành phần này chiếm 21% tổng GDP đặc khu năm 2018, vượt xa các trụ cột khác của nền kinh tế như dịch vụ tài chính và du lịch.
Một số doanh nghiệp Mỹ ở Hong Kong đang cố gắng thuyết phục Washington rằng việc hủy hoại mối quan hệ song phương sẽ làm tổn thương Hong Kong và Mỹ, chứ không phải là Trung Quốc. Nếu vị thế của đặc khu suy yếu, các trung tâm thương mại khác như Singapore có thể nhanh chóng thay thế một số vai trò tái xuất khẩu.
Hong Kong đã cảnh báo có thể đáp trả lợi ích của Mỹ, nếu điều đó xảy ra. "Có hơn 1.300 công ty Mỹ ở Hong Kong được đối xử như một công ty địa phương trong việc tiếp cận thị trường đại lục", bà Carrie Lam đề cập thêm việc đặc khu miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Mỹ dù không nhận được sự đối xử tương tự.
"Tôi đã chỉ ra sự thật và các số liệu để họ tự tính toán", bà Carrie Lam nói.