Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay đưa tin nước này "sẽ cắt đứt hoàn toàn và đóng cửa đường dây liên lạc giữa chính quyền miền Bắc và miền Nam, được duy trì thông qua văn phòng liên lạc liên Triều, cũng như các liên lạc khác từ 12h ngày 9/6".
Các liên lạc bị cắt cũng bao gồm "đường dây Đông Hải và Tây Hải" giữa quân đội hai bên, "đường dây liên lạc thử nghiệm liên Triều" và đường dây nóng giữa Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên và Phủ Tổng thống Hàn Quốc. KCNA tuyên bố đây là bước đầu tiên hướng tới đóng cửa toàn bộ phương thức liên lạc với Seoul.
Các quan chức hàng đầu Triều Tiên như Kim Jo-yong, em gái lãnh đạo Kim Jong-un, cùng phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol xác định "công việc đối với Hàn Quốc nên chuyển sang hướng chống lại kẻ thù", theo KCNA.
Văn phòng liên lạc liên Triều tại Seoul. Ảnh:SCMP.
Triều Tiên tuần trước dọa đóng cửa văn phòng liên lạc và cảnh báo các bước tiếp theo khiến Hàn Quốc "chịu tổn hại" nếu Seoul không ngăn chặn người đào tẩu gửi truyền đơn và các tài liệu khác vào Triều Tiên.
"Người dân Triều Tiên đã giận dữ vì hành vi phản bội và xảo quyệt của chính quyền Hàn Quốc", KCNA đưa tin, đồng thời cáo buộc giới chức Hàn Quốc vô trách nhiệm khi cho phép người đào tẩu làm tổn hại phẩm giá của lãnh đạo tối cao Triều Tiên.
"Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng không cần ngồi mặt đối mặt với chính quyền Hàn Quốc và không có vấn đề gì để thảo luận với họ, vì họ chỉ tìm cách gây rối loạn", KCNA cho hay.
Kim Jo-yong hôm 4/6 cảnh báo hủy thỏa thuận quân sự song phương nhằm giảm căng thẳng biên giới được ký trong chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in năm 2018, cũng như rút vĩnh viễn khỏi các dự án chung với Hàn Quốc, bao gồm khu công nghiệp liên Kaesong và tour du lịch trên núi Kumgang.
Hầu hết thỏa thuận quân sự Hàn - Triều năm 2018 đã không được thực hiện, Bình Nhưỡng đã gần như cắt đứt liên lạc với Seoul sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm ngoái, khiến các cuộc đàm phán phi hạt nhân rơi vào bế tắc. Hoạt động tại văn phòng liên lạc liên Triều cũng bị đình chỉ vì Covid-19 và Triều Tiên tiến hành hàng chục cuộc thử nghiệm vũ khí tầm ngắn kể từ khi thỏa thuận quân sự được ký kết.
Một quan chức giấu tên tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thừa nhận các chiến dịch thả truyền đơn thường "lợi bất cập hại". Giới chức Hàn Quốc đang thúc đẩy áp dụng đạo luật cấm thả truyền đơn qua biên giới, nhưng động thái này gây tranh cãi do nguy cơ vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Theo VNE