Lực lượng cảnh sát TP.Minneapolis đối đầu với người biểu tình ngày 29-5. Ảnh: REUTERS
Phong trào biểu tình ở Mỹ sau phản đối cái chết của ông George Floyd dưới tay cảnh sát TP.Minneapolis hôm 25-5 đã tạo ra sức ép chưa từng có tiền lệ lên lực lượng trị an nước này.
Hàng loạt các động thái và biện pháp cứng rắn đang được triển khai ở khắp các địa phương nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực, buộc cảnh sát Mỹ phải có trách nhiệm hơn khi thực thi nhiệm vụ.
TP.Minneapolis chuẩn bị giải thể Sở Cảnh sát
Hãng tin Sputnik ngày 8-6 cho hay Hội đồng TP.Minneapolis đã chính thức bỏ phiếu thông qua quyết định giải thể Sở Cảnh sát ở đây với chín phiếu thuận trong tổng số 13 thành viên.
Lực lượng cảnh sát TP.Minneapolis đối đầu với người biểu tình ngày 29-5. Ảnh: REUTERS
Thông cáo về vụ việc của Hội đồng nêu rõ Sở Cảnh sát Minneapolis dù đã trải qua hàng chục năm cải cách vẫn không có dấu hiệu cải thiện mà vẫn giữ lối hành xử vô trách nhiệm. Sau khi giải thể, Hội đồng sẽ thay thế Sở Cảnh sát bằng một mô hình an ninh công cộng mới.
Chủ tịch Hội đồng TP.Minneapolis - bà Lisa Bender còn lên tiếng khẳng định "hệ thống giữ gìn trật tự và an ninh công cộng hiện tại không còn đủ khả năng giữ an toàn cho người dân".
Khi được đài CNN hỏi thêm chi tiết cụ thể về kế hoạch giải thể Sở Cảnh sát, bà Bender cho biết ngân sách cho lực lượng này sẽ được điều chuyển cho mục đích khác còn Hội đồng vẫn thảo luận về phương thức và mô hình phù hợp thay thế.
Ủy hội hoạt động vì quyền dân sự TP.Minneapolis mới đây cũng đã ra tuyên bố khẳng định các thành viên Hội đồng có trách nhiệm "tạo ra một hệ thống mới bài trừ mọi chia rẽ sắc tộc vốn lũng đoạn hệ thống luật pháp của chúng ta từ lâu".
Một nhân vật đến nay chưa đưa bình luận về các diễn biến trên là Thị trưởng TP.Minneapolis - ông Jacob Frey. Quan chức này hồi cuối tuần qua trong lúc đối thoại với một nhóm người biểu tình bên ngoài nhà riêng của ông đã khẳng định không ủng hộ việc giải tán Sở Cánh sát, CNN đưa tin.
Người biểu tình sau đó lập tức đồng thanh la ó phản đối, buộc ông phải quay vào trong nhà.
Một phát ngôn viên của Thị trưởng Jacob Frey sau đó phát biểu ông Frey vẫn còn niềm tin vào Cảnh sát trưởng Medaria Arradondo đủ khả năng cải tổ toàn diện Sở Cảnh sát Minneapolis và loại trừ mọi tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Sở Cảnh sát TP.New York bất ngờ bị cắt giảm ngân sách
Ông Bill de Blasio - Thị trưởng TP.New York ngày 7-6 tuyên bố thời gian tới sẽ cắt giảm ngân sách hoạt động của Sở Cảnh sát thành phố này. Số kinh phí này sẽ được điều chuyển cho các dịch vụ xã hội và chương trình hỗ trợ người trẻ khác, tờ The New York Times đưa tin.
Người dân TP.New York xuống đường biểu tình ngày 1-6. Ảnh: AP
Khi được hỏi về chi tiết kế hoạch trên, ông de Blasio từ chối bình luận nhưng khẳng định đang thảo luận với các thành viên Hội đồng thành phố. Quan chức này cũng không cho biết ngân sách Sở Cảnh sát New York sẽ bị cắt giảm bao nhiêu.
The New York Times cho biết Sở Cảnh sát New York mỗi năm được cấp gần 6 tỉ USD, chiếm khoảng 9% tổng ngân sách gần 90 tỉ USD toàn thành.
Bình luận về vụ việc, Thị trưởng TP.Boston - ông Marty Walsh cùng ngày cho hay cũng đang cân nhắc kế hoạch cắt giảm tương tự với Sở Cảnh sát Boston.
Nhiều nghị sĩ Mỹ bắt đầu hành động
Đài CNA cho hay thành viên thuộc nhóm tập hợp các nghị sĩ da màu ở Quốc hội Mỹ (Congressional Black Caucus) dự kiến sẽ công bố dự luật nhằm giải quyết nạn bạo lực cảnh sát, tạo cơ chế buộc các sĩ quan phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Dự luật hứa hẹn đơn giản hoả thủ tục khởi kiện cảnh sát và cấm lực lượng này sử dụng đòn khoá cổ khi khống chế tội phạm. Các sĩ quan khi làm nhiệm vụ sẽ được yêu cầu phải đeo camera hành trình. Đồng thời, một cơ sở dữ liệu toàn quốc tập hợp các hành vi vi phạm pháp luật của cảnh sát cũng sẽ được thiết lập.
"Những gì chúng tôi đang làm buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm và tạo ra cơ chế hiệu quả để giám sát việc đó. Chúng tôi cũng sẽ xem xét quy trình tuyển dụng, quy trình đào tạo cảnh sát, các quy tắc sử dụng vũ lực khi làm nhiệm vụ và đề xuất những cải cách phù hợp", Hạ nghị sĩ Val Demings khẳng định.
Hiện vấn đề nên tăng cường hay giảm các biện pháp hạn chế quyền lực vẫn đang gây tranh cãi kịch liệt trong giới luật gia Mỹ.
Bên cạnh phe ủng hộ hạn chế, một số ý kiến lập luận hạn chế quyền lực cảnh sát sẽ tước đi khả năng thực thi pháp luật hiệu quả của lực lượng này.
Theo PLO