Tôm, cá Việt thắng lớn ở EU nhờ lợi thế trước đối thủ

Thứ ba, 22/09/2020, 11:29
Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8-2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA.

Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), không có FTA nên chịu mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.

Còn Việt Nam, nhờ tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ 1-8-2020) mà trong tháng 8-2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 394,6 triệu USD, tăng gần 12% so với tháng 8-2019, theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Tôm, cá Việt thắng lớn ở EU nhờ lợi thế trước đối thủ   - ảnh 1

Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8-2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: VASEP

Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không riêng mặt hàng tôm, sản phẩm cá ngừ của Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Tính riêng nửa đầu tháng 8-2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ tháng 7 và tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 6,3 triệu USD.

Trước đó, khi Ủy ban Châu Âu quyết định rút thẻ vàng với thủy sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này liên tục sụt giảm. Cạnh đó, việc không còn được hưởng GSP của EU đã khiến cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh tại khối thị trường này, thị phần giảm.

Vì vậy, tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm từ 24% trong năm 2018 xuống còn 19% trong năm 2019. Khi EVFTA có hiệu lực, ngành cá ngừ Việt Nam đang kỳ vọng sẽ có sự phục hồi về hoạt động xuất khẩu tại thị trường này.

Theo PLO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích