Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá việc thuế ưu đãi xuất khẩu về 0% đang mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản Việt chinh phục thị trường quy mô GDP 18.000 tỷ USD.
EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê của cơ quan quản lý nông sản cho thấy, nhờ thuế suất giảm về 0% từ mức 7-11% với cà phê chưa rang và 9-12% với cà phê chế biến, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang EU đạt gần 76 triệu USD, tăng xấp xỉ 35% so với tháng 7.
Theo kế hoạch, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sẽ xuất khẩu lô hàng chanh leo và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) xuất khẩu cà phê, và Vina T&T Group sẽ xuất khẩu lô rau quả (bưởi, dừa, thanh long...) sang EU.
Không riêng cà phê, gạo cũng đang được xem là mặt hàng nhiều tiềm năng chinh phục thị trường châu Âu. Lô hàng gạo thơm xuất đi EU của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất sang EU tháng trước là ví dụ. Thay vì thuế suất 4-45% trước đây, lô gạo của Trung An xuất đi châu Âu được hưởng thuế 0%.
Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đầu tháng 3. Ảnh: Thanh Trần.
Nhờ thuế giảm về 0% nên giá xuất hàng của các doanh nghiệp Việt cũng tốt hơn trước. Đơn cử, giá FOB (giá giao hàng tại tàu) của lô gạo thơm này khoảng 1.080 USD một tấn, cao hơn gấp rưỡi so với giá xuất bán cùng mặt hàng mà doanh nghiệp này thực hiện trước khi EVFTA có hiệu lực. Theo ông Phạm Thái Bình - Phó chủ tịch Công ty Trung An, có những lô hàng xuất sang EU trước đây phải đóng thuế tới 300-400 EUR một tấn, giờ khoản này không còn nên giá tốt hơn, tính cạnh tranh của gạo Việt so với gạo Thái Lan, Campuchia... tăng cao ngay trên chính thị trường khó tính như EU.
Nếu doanh nghiệp muốn đưa hàng chinh phục thị trường EU, kiểm soát chất lượng là ưu tiên hàng đầu thay vì chỉ cạnh tranh về giá.
Đầu tháng 9, Chính phủ ban hành Nghị định 103 chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất sang EU với danh mục 9 loại gạo, được coi là tấm vé đảm bảo chất lượng cho nông sản này sang EU. Việc xuất khẩu gạo thơm theo hạn ngạch hưởng ưu đãi thuế quan (0%) sang EU phải được chứng nhận đảm bảo đúng giống. Các tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng được Cục Trồng trọt chỉ định sẽ kiểm tra các lô ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch. Cục Trồng trọt căn cứ kết quả này và hồ sơ của doanh nghiệp để cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU. Hằng năm, Việt Nam và EU sẽ rà soát, bổ sung thêm số lượng các giống gạo thơm mới.
Theo quy định của EVFTA, mỗi năm EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch 30.000 tấn gạo thơm được hưởng thuế quan 0%. Với kinh nghiệm xuất khẩu gạo sang EU nhiều năm, ông Phạm Thái Bình - Phó chủ tịch Công ty Trung An lưu ý, hàng tuyển chọn đẹp nhưng chỉ cần không đạt một trong các tiêu chí, tiêu chuẩn EU về xuất xứ hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện kho bãi... thì cũng bị trả lại dù đã cập cảng.
"Nếu chỉ tập trung vào số lượng xuất khẩu, không tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc hay xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp sẽ rất khó thâm nhập và trụ vững ở thị trường EU", ông Bình chia sẻ.
Vì thế, liên kết với nông dân để sản xuất theo chuỗi khép kín, chế biến sâu... đang là cách nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, gạo hướng tới. Như với Trung An, doanh nghiệp này cùng nông dân phát triển 30.000ha diện tích trồng lúa, trong đó dành 800ha tại Kiên Giang phát triển nguyên liệu lúa hữu cơ tự nhiên không dùng thuốc bảo vệ thực vật để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU...
Điểm lưu ý nữa khi xuất hàng nông sản sang EU là các doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế sẵn sàng tăng quy mô sản xuất nếu có đơn hàng lớn.
Khác với một số thị trường, lúc đầu khách hàng châu Âu thường đặt mua số lượng ít, nhưng nếu lô hàng đầu tiên đạt tiêu chuẩn, họ lập tức sẽ ký thêm nhiều đơn hàng dài hạn, số lượng lớn hơn. Lúc này, doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị sẵn sàng tăng quy mô sản xuất. "Luôn trong tâm thế sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu là điểm cộng với đối tác", lãnh đạo một công ty chuyên xuất khẩu rau quả sang EU chia sẻ.
EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8 đã mở ra cánh cửa lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm - thuỷ sản của Việt Nam khi loạt thuế sẽ giảm về 0%. Châu Âu là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ hai thế giới, chiếm gần 15% tổng nhập khẩu toàn cầu. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần nhập khẩu của EU, nên dư địa để gia tăng xuất khẩu rất lớn.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, một tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.
Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, trong đó nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Theo VNE