Ông Nguyễn Phú Bình trao đổi với VnExpress về triển vọng phát triển quan hệ hai nước nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tại Nhật Bản từ 16 đến 19/3.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong lễ đón tại sân bay ở Nhật Bản hôm qua. Ảnh: AFP |
- Thưa ông, Nhật Bản đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo nghi lễ rất trọng thị. Điều đó phản ánh như thế nào về quan hệ hai nước?
- Trong chuyến thăm này, ngoài các nghi lễ cấp nhà nước, Nhật Bản mời Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu tại Quốc hội Nhật. Mỗi năm Quốc hội Nhật chỉ đón hai lãnh đạo nước ngoài phát biểu.
Điều này thể hiện hai nước có mối quan hệ gắn bó, đang đặt lòng tin cậy ở nhau rất cao. Năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Quốc hội Nhật bày tỏ hướng tới quan hệ Đối tác Chiến lược. Đến 2009, khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Nhật thì hai nước thiết lập mối quan hệ này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi còn là Thường trực Ban Bí thư, đã đến thăm tỉnh Chiba để tặng quà và chia sẻ với người dân Nhật sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Nhật Bản.
- Theo đánh giá của ông, lĩnh vực nào có thành tựu đáng kể nhất trong mối quan hệ song phương?
- Đáng lưu tâm nhất là kinh tế. Năm 2011, Nhật là nhà đầu tư lớn thứ ba, nhưng đến hai năm gần đây đã vươn lên thứ nhất tại Việt Nam. Tổng số FDI của Nhật hiện khoảng 33 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực chế tạo, công nghệ... Không chỉ các tập đoàn kinh tế lớn, mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật hoạt động tại Việt Nam đều rất chắc chắn, làm ăn bài bản.
Về thương mại, Nhật là đối tác đứng ở vị trí thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc), nhưng ở mức độ cân bằng, thậm chí Việt Nam còn xuất siêu sang Nhật. Hồi 2009, khi tôi làm đại sứ tại Nhật, hai bên quyết tâm đàm phán Hiệp định Đối tác Song phương, cuối năm đó thì ký, có hiệu lực từ tháng 10/2010. Hiệp định giúp hai bên giảm thuế nhiều, có những ưu tiên cho nhau, buôn bán tăng nhiều hơn. Năm ngoái, thương mại song phương Việt – Nhật đạt hơn hơn 25 tỷ USD. Nhật cũng là nước đầu tiên trong G7 công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Nhật còn là nhà cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam, với tổng số cam kết đến cuối năm ngoái là 23 tỷ USD. ODA của Nhật tập trung vào ba đột phá của Việt Nam là cơ sở hạ tầng, nhân lực và cải cách thể chế.
Hai nước có tiềm năng phát triển lớn về kinh tế. Với trình độ phát triển khác nhau, hai bên có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam cần vốn, công nghệ và kinh nghiệm của Nhật. Phía bạn lại cần nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam, giúp phá vỡ một số rào cản của một nền kinh tế đang bão hòa sau khi đến đỉnh cao phát triển.
Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, khu vực phát triển năng động và gắn bó với Nhật. Việc vận chuyển hàng hóa của Nhật đến Thái Lan hay Myanmar nếu đi qua các cảng Đà Nẵng, TP.HCM thì giảm được một nửa thời gian đi qua vịnh Bengal. Do đó, Nhật rất quan tâm đến hành lang Đông Tây.
- Một ưu tiên trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước là nông nghiệp. Vì sao Việt Nam chọn Nhật Bản là đối tác để phát triển chuỗi giá trị nông sản?
-Hợp tác nông nghiệp lúc này là đúng lúc và cần thiết, đặc biệt khi hai nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhật Bản là nước sớm áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, Việt Nam có thể tận dụng giống cây trồng giá trị cao, phương pháp chăm sóc, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm... Nếu kéo được đầu tư của Nhật vào nông nghiệp thì có thể góp phần giúp Việt Nam giải quyết vấn đề tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân).
Người Nhật biết cách tăng giá trị sản phẩm để có giá cao. Chẳng hạn như loại dưa, họ chỉ để một dây một quả, giá tại vườn 2.000 yên (gần 20 USD) một quả, trong siêu thị bình thường có giá gần 50 USD, đưa đến Tokyo có giá 100-200 USD. Nhật còn có dây chuyền phân loại hoa quả theo màu sắc và kích thước, đóng hộp tự động. Hợp tác xã được Nhà nước góp vốn mấy chục phần trăm, còn lại các nông hộ góp, giúp lên lịch chăm sóc, phun thuốc, bón phân. Hợp tác xã cũng giúp nông dân thu hoạch, cất vào kho, ghi nhãn của từng hộ.
Nhật có đất đai hẹp, đồng bằng xen đồi núi, nên hiện nay mới tự túc được 40% nhu cầu lương thực trong nước, cần nhập thêm 60%. Nhật có thể trở thành thị trường tiêu thụ cho Việt Nam, với điều kiện sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm khắc của nước này.
- Trong bối cảnh khu vực hiện nay, ông đánh giá thế nào về hợp tác an ninh hàng hải hai nước?
- Nhật phát triển chủ yếu dựa nhiều vào nguồn nguyên vật liệu bên ngoài, phải nhập dầu từ Trung Đông, đi qua Biển Đông. Có thể nói gần 90% nhu cầu vận tải hàng hải của Nhật là qua khu vực này, nếu có bất cứ sự bất ổn nào hoặc tranh chấp xảy ra thì Nhật gặp nguy cơ cao.
Trong các diễn đàn quốc tế và khu vực, Nhật Bản đều bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải và an ninh hàng hải, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc có bộ quy tắc ứng xử COC. Nhật hiện cũng hỗ trợ khí tài, tàu tuần tra dân sự cho các nước, trong đó có Việt Nam. Hai bên có nhu cầu và hợp tác phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Còn những điều gì có thể làm để các lĩnh vực hợp tác được thuận lợi hơn nữa?
- Hai nước có trình độ phát triển khác nhau. Nguồn nhân lực của Việt Nam phần lớn chưa qua đào tạo, cấu trúc kinh tế cũng không phù hợp, chẳng hạn Việt Nam đáng lẽ phải có công nghiệp phụ trợ tốt để có thể lắp ráp một chiếc ô tô cần đến hàng trăm chi tiết.
Thể chế Việt Nam còn những quy định pháp lý dưới luật; phân cấp bất hợp lý giữa địa phương và trung ương. Thủ tục hành chính "nhiều cửa" và tham nhũng vặt làm các nhà đầu tư Nhật nản lòng, ý thức thượng tôn pháp luật ở Việt Nam chưa tốt, thiếu kỷ cương.
Tuy nhiên, hai nước đang triển khai giai đoạn 5 của Sáng kiến chung Việt – Nhật về cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam (từ năm 2003). Tôi tin rằng triển vọng hợp tác sẽ rất sáng sủa.
Theo VNE