UB Thường vụ Quốc hội vừa gửi xin ý kiến nhiều cơ quan và các đoàn đại biểu Quốc hội dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội.
Một trong những lý do cần phải sửa luật được nêu tại tờ trình là Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có những quy định mới về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đòi hỏi cần phải cụ thể hóa.
Theo đó, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, qua 12 năm thi hành, Luật tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ những nội dung cần sửa đổi, cụ thể hóa cho phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2013) vừa qua.
Dự thảo Luật có 6 chương- 134 điều, giảm 1 chương và tăng 40 điều so với Luật hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra mắt sau khi được Quốc hội khóa XIII bầu năm 2011 (ảnh: Việt Hưng).
|
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật là những quy định về vấn đề nhân sự. Căn cứ vào quy định tại Hiến pháp mới ban hành “sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”, tại Điều 6, 7, 8, 9, 10 của Mục 2, Chương I dự thảo luật quy định việc bầu các chức danh này đều có một dòng quy định các chức danh sau khi được bầu phải “tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.
Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành (luật ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2007).
Luật hiện hành đưa những quy định về việc bầu các chức danh lãnh đạo nhà nước này vào các Điều 80, 81, 84, 85 của chương V quy định về kỳ họp Quốc hội thay vì để ngay ở chương I quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhiệm kỳ của Quốc hội như dự thảo luật sửa đổi lần này. Trong các Điều khoản cũng không có nội dung quy định về việc tuyên thệ đối với bất cứ chức danh nào như dự thảo lần này.
Đầu nhiệm kỳ này (2011-2016), tại kỳ họp đầu tiên (tháng 7, 8/2011), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã được dành thời gian để ra mắt Quốc hội, phát biểu nhậm chức nhưng không phải là thực hiện yêu cầu tuyên thệ bắt buộc.
Theo Dân trí