“Cảm kích trước tình cảm của người dân cả nước”
Theo bà Phạm Thị Ngọc Hân, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình: Trong trận lũ lịch sử vừa đi qua, chính quyền và nhân dân Quảng Bình cảm kích trước sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, cũng như những tấm lòng thiện nguyện của nhân dân khắp nơi trong và ngoài nước dành cho người dân vùng lũ. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời đó, người dân Quảng Bình sẽ rất khó khăn, thậm chí là khốn đốn trong lũ dữ.
“Tuy nhiên, công tác cứu trợ người dân vùng lũ trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều bất cập, mà có thể nói đây là câu chuyện muôn thủa của công tác cứu trợ, nhân đạo”, bà Hân cho biết. Cụ thể, theo bà Hân, “đó là tình trạng cứu trợ tự phát, không thông qua chính quyền, hoặc thông qua chính quyền nhưng lại chọn trước địa điểm làm từ thiện”. Bà Hân cho rằng “điều này sẽ xảy ra hai vấn đề: Tính an toàn đối với người đi cứu trợ và sự hợp lý, công bằng đối với người dân vùng lũ”.
Đã có những đoàn cứu trợ tự phát bị lật thuyền, lật đò khi đi cứu trợ; hay cùng bị thiệt hại trong lũ, nhưng một số nơi thì thừa mứa hàng cứu trợ, còn có nơi không thấy bóng dáng đoàn cứu trợ nào. Nguyên nhân của việc này, theo bà Hân, tâm lý chung của những đoàn thiện nguyện hiện nay là sợ người của chính quyền địa phương hay đoàn thể sẽ bớt xén quà tài trợ; và ai cũng muốn đến vùng bị thiệt hại nặng nhất để trao quà.
Nơi ngập ngụa hàng, nơi không có nổi gói mỳ tôm
Theo thông tin mà phóng viên Tiền Phong có được, tại Quảng Bình hiện nay, nhiều đoàn cứu trợ, qua thông tin báo chí và mạng xã hội cứ thế ùn ùn kéo đến những vùng bị ngập sâu trong lũ mà không biết ở đó đã ngập ngụa hàng cứu trợ. Có nơi, mỗi gia đình hiện có cả 100 thùng mì tôm chất đống trong nhà, trong khi đó có nơi người dân thiếu từ gói mỳ tôm để cầm hơi.
Nhà báo Dương Minh Phong, phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ: Sau khi đi khắp hết các vùng ngập lụt sâu nhất của Quảng Bình, mới đây anh ra xã Ngư Hoá, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình). Ở đây lũ lụt đã tàn phá xã nghèo này khủng khiếp, nhà cửa, cây cối, đường sá đổ sập vì nước lũ chảy xiết, thiệt hại vô cùng lớn. Tuy nhiên, vì là xã vùng sâu, vùng xa nên chưa có nhà báo nào đặt chân đến để thông tin. Đã sau nhiều ngày nước rút nhưng ở đây chưa hề có đoàn cứu trợ nào ghé qua, nhiều người dân đói lả vì lương thực, thực phẩm đã bị lũ cuốn trôi.
Hay như câu chuyện mà nhà báo Hương Lê, báo Quảng Bình chia sẻ: Mới đây, ông Nguyễn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn nhờ chị, nếu có đoàn từ thiện nào thân thiết với chị, thì nhờ động viên họ về cứu trợ người dân vùng ven phường trung tâm của thị xã Ba Đồn. Ở đây người dân đa số nghèo, cũng bị thiệt hại rất lớn trong lũ lụt, nhiều gia đình trắng tay nhưng không có đoàn cứu trợ nào về. Ông Tình nói, đã gợi ý với rất nhiều đoàn cứu trợ về đây nhưng đều nhận được cái lắc đầu.
Mới đây có một đoàn từ thiện TP Hồ Chí Minh nhờ chị Hương Lê giới thiệu địa điểm và chị giới thiệu về đây. Biết là sẽ có thắc mắc, chị đã nói với trưởng đoàn rất kỹ về hoàn cảnh của những người dân nơi đây. Nhiều người trong đoàn đồng thuận, tuy nhiên sau đó họ lại từ chối vì có một thành viên trong đoàn phản ứng, cho rằng ở đó không thiệt hại gì, bởi “phường trung tâm thị xã dân giàu không cần cứu trợ”.
Chị Hương Lê ngao ngán: “Tôi đã nói với họ rằng, ngay cả như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì cũng có những khu “ổ chuột” tập trung đa số dân lao động nghèo. Ở Ba Đồn cũng vậy, họ đang rất cần cứu trợ sau lũ lụt. Đây là địa chỉ của anh phó chủ tịch thị xã - người rất có tâm với người dân, nhưng một thành viên trong đoàn này cương quyết phản đối, đòi phải đi đến những vùng ngập lụt của Quảng Bình, Lệ Thuỷ. Thậm chí người này còn nói tôi giới thiệu về đó là có ý này, ý nọ… thật đáng buồn”.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm này, người dân vùng lũ cần hạt giống và con giống, sửa chữa nhà cửa, trang thiết bị đồ dùng, sách vở cho con em đi học… tức là sinh kế sau lũ. |