Các khối silicon bị vón cục lấy ra từ ngực bệnh nhân. |
Bệnh nhân cho biết, khoảng 24 tháng trước, chị được một thẩm mỹ viện tư vấn nâng ngực bằng bơm mỡ nhân tạo. Do nghĩ mỡ nhân tạo an toàn nên chị đồng ý bơm khoảng 400ml vào hai bầu ngực.
"Sau khi làm đẹp, ngực tôi ngày càng chai cứng. Đến thời gian gần đây, sờ vào tôi cảm nhận như bên trong bị vón cục từng khối", bệnh nhân nói.
Tại Trung tâm Phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai, ngày 13/3, qua thăm khám các bác sĩ xác định, "nguyên liệu" mà bệnh nhân dùng để nâng ngực thực chất là silicon lỏng chứ không phải mỡ nhân tạo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Việt Hảo, Giám đốc trung tâm thẩm mỹ Hàn Quốc, cho biết silicon lỏng đã gây biến chứng. Thay vì tụ thành khối, các mảng silicon đã tách rời ra.
"Để ngực bệnh nhân không bị xâm lấn, chúng tôi đã phẫu thuật loại bỏ silicon. Rất nhiều vón cục silicon dạng quả trứng được lấy ra. Tuy nhiên, việc nạo vét silicon vẫn không thể trọn vẹn vì có thê ảnh hưởng đến mô ngực", ông Hảo cho hay.
Cũng theo bác sĩ Hảo, đây là trường hợp thứ 2 trong tháng, trung tâm này phẫu thuật nạo silicon cho bệnh nhân đi bơm mỡ nhân tạo nâng ngực nhưng thực chất là silicon.
Bác sĩ Hảo cho biết, silion đã bị cấm dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ nâng ngực, cấy vào mô ngực, mũi, mặt, tay từ năm 1992. Để đánh lừa khách hàng, nhiều nơi đặt tên mỡ nhân tạo khiến khách hàng bị nhầm.
"Để không phải tiền mất tật mang, khi muốn nâng ngực, khách hàng cần có chỉ định của bác sĩ và tìm hiểu rõ các phương pháp trước khi quyết định thẩm mỹ nâng ngực", bác sĩ Hảo khuyên.
Theo vnexpress.net