TS Trần Thanh Dương. Ảnh: H.Hải
Xung quang dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế sẽ làm thế nào để khống chế dịch? Làm thế nào để giảm các ca tử vong do tay chân miệng? TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã trao đổi với báo chí:Ngay từ đầu năm 2012 đã có trên 12 ngàn trường hợp mắc tay chân miệng (gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái). Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh, phải chăng hệ thống y tế dự phòng hoạt động không hiệu quả?
Ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã nhận định dịch tay chân miệng năm nay sẽ diễn biến phức tạp hơn năm 2011 bởi số ca mắc sớm hơn rất nhiều so với năm trước đó.
Một dịch bệnh bùng phát do nhiều yếu tố, như dịch tay chân miệng do vi-rút gây ra, không có vắc-xin, không có thuốc đặc hiệu, không chỉ xuất hiện riêng ở Việt Nam mà lưu hành nhiều trên thế giới. Hai là lây lan dễ qua đường tiêu hóa. Rồi có tới 71% người lành mang trùng mà thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần. Đặc biệt người lớn mang trùng lây cho trẻ con qua hành vi chăm sóc trẻ chưa an toàn, nhiều nơi chưa có nhà vệ sinh hợp chuẩn, điều kiện ăn ở chưa sạch sẽ….
Chưa kể, nhiều cơ quan chức năng cũng rất chủ quan với dịch bệnh, chưa tập trung nhiều cho công tác chống dịch. Ví như Ninh Thuận công bố dịch ở thời điểm dịch trên cả nước đang giảm. Thực chất tỉnh này công bố là lúc có nhiều ca tử vong và không có kinh phí để đầu tư dập dịch. Hai ca đầu tử vong ở Ninh Thuận thì thuốc không có. Nhưng khi dịch được công bố, tỉnh Ninh Thuận tập trung toàn lực cho phòng dịch, ngoài ra còn được Bộ y tế hỗ trợ đến 7 tỷ đồng các trang thiết bị, máy móc… nên năm nay, dịch bệnh nay ở Ninh Thuận đã giảm hơn.Trước những yếu tố khiến dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng, Bộ Y tế có những biện pháp gì để khống chế dịch bệnh lan rộng?
Để khống chế dịch bệnh lan rộng, 12 đoàn công tác của Bộ Y tế và sẽ thường xuyên đi đến từng địa phương để giám sát dịch bệnh.
Ngoài ra, năm nay Bộ Y tế cũng chỉ đạo phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông tại cộng đồng. Vì trẻ dưới 3 tuổi hiện nay chiếm 81% tổng số ca mắc bệnh, những trẻ này thường chưa đi học. Vì thế, tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch tay chân miệng sẽ phải phát đến tất cả các hộ có con nhỏ dưới 3 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Người chăm trẻ có đọc, có hiểu thì mới có thể phòng bệnh được cho trẻ.
Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các tỉnh giảm tử vong do tay chân miệng bằng tăng cường trang thiết bị, máy thở, thuốc men. Như vụ dịch tay chân miệng năm 2011 ở Ninh Thuận, cả tỉnh chỉ có một máy thở. Hai trường hợp tử vong đầu là vì chuyển độ nặng mà không có thuốc gama globulin để truyền ngay. Hay với monitor đo chuyển độ nặng của bệnh, không phải tỉnh nào cũng đủ dẫn đến đánh giá bằng cảm quan rất nguy hiểm.
Vậy vì sao loại thuốc này không được chỉ định ngay khi trẻ mới ở giai đoạn 2a để phòng nguy cơ tử vong, thưa ông?
Theo quy định của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, từ độ 2b mới dùng thuốc gama globulin. Vì thể 2a là nhẹ hơn và tỉ lệ gặp tương đối lớn, chưa cần thiết dùng loại thuốc này. Tuy nhiên năm nay hội đồng chuyên môn đang cân nhắc mở rộng độ 2a cũng có thể chỉ định thuốc này. Bởi những nơi có điều kiện tốt theo dõi triệu chứng thì đánh giá chuyển độ hiệu quả, nhưng ở những bệnh viện không có điều kiện thì rất nguy hiểm.
Việc công bố dịch sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Bộ trưởng Bộ Y tế đã kí hướng dẫn công bố dịch tay chân miệng chuyển đến từng địa phương. Hơn nữa, đây là một bệnh truyền nhiễm, việc công bố dịch phải thực hiện theo luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế các tỉnh tự căn cứ vào để công bố.
Thực chất việc công bố dịch hay không không ảnh hưởng đến Bộ y tế vì việc công bố hoàn toàn là các địa phương phải chủ động theo quy định hướng dẫn. Hoàn toàn không có chuyện Bộ y tế “trốn” công bố dịch mà nó phải tuân thủ theo pháp luật, theo hướng dẫn.
Tôi cho rằng, thực chất công bố dịch chỉ có lợi cho ngành y tế. Như tại Ninh Thuận năm ngoái khi công bố dịch, chủ tịch tỉnh chỉ đạo quyết liệt tập trung chống dịch và đã rất hiệu quả. Khi đã công bố dịch, chính quyền phải đầu tư nhiều cho y tế.
Tại miền Bắc, dịch tay chân miệng cũng đến sớm.
3 tháng đầu năm đã có hơn 300 trường hợp phải vào BV Nhi T.Ư điều trị. Ảnh: H.Hải
Tỷ lệ tử vong do tay chân miệng chiếm bao nhiêu trong tổng số ca mắc, thưa ông?
Năm 2011 trong tổng số 110 nghìn ca mắc thì có 169 trường hợp tử vong. Tính tỉ lệ tử vong chung rất thấp. Năm nay, có 11 ca tử vong trên 12.442 ca mắc, với tỉ lệ chết là 0,01%.
Dịch vẫn diễn biến phức tạp, người dân vẫn rất lo lắng. Ông có lời khuyên gì để người dân chủ động phòng chống dịch tay chân miệng cho con em họ?
Thực sự bệnh tay chân miệng đa phần là thể nhẹ, các cháu bé chỉ có dấu hiệu sốt, xuất hiện phỏng nước lòng bàn tay, chân rồi tự khỏi. Một tỉ lệ nhỏ các trường hợp diễn biến nặng lên gây viêm cơ tim, gây suy hô hấp, viêm não, màng não, suy đa phủ tạng, biến chứng xấu nữa là tử vong.
Để bảo vệ các con khỏi dịch bệnh, chỉ có biện pháp rửa tay và cải thiện điều kiện vệ sinh và chăm sóc trẻ.
Nói bệnh lây theo đường tiêu hóa, nói rõ bản chất là ăn phải phân. Vì vi rút đường ruột ở trong phân, vào đường ruột phát triển và thải ra theo phân. Chăm trẻ mà bàn tay không sạch dễ khiến trẻ bị cảm nhiễm vi-rút. Vì thế, đảm bảo bàn tay sạch khi chăm trẻ, không cho trẻ gặm đồ chơi bẩn, thường xuyên rửa tay trẻ, vệ sinh đồ chơi, vật dụng cá nhân… sẽ phòng được bệnh.
Còn không may trẻ bị bệnh, nếu không sốt cao, không li bì, không hay mệt mỏi, giật mình, ăn chơi bình thường thì bình tĩnh đưa con đi khám để được hướng dẫn theo dõi. Còn trẻ giật mình liên tục, sốt cao, có các dấu hiệu nặng phải đến viện khám ngay.
Theo dantri.vn