Du ca đường phố “hút hồn” giới trẻ Hà thành

Thứ tư, 14/03/2012, 16:00
Đến hẹn lại lên, cứ vào chủ nhật hàng tuần nhiều bạn trẻ lại tụ tập kéo nhau về Hồ Gươm (Hà Nội) cùng hoà mình vào những giai điệu, ca khúc, thỏa sức thể hiện chất giọng thật của chính mình. Bữa tiệc âm nhạc đường phố này đang ngày càng hút hồn giới trẻ Hà thành.

 

Gắn kết đam mê

Không phải những người nghệ sĩ hát du ca với cây đàn violon, cũng không phải lãng tử đất Hà thành, nhạc sĩ Trần Tiến cùng với nhóm Du ca đồng nội một thời làm mưa làm gió khắp mọi miền đất nước. Đó là nhóm Du ca đường phố của các bạn trẻ Hà thành.

Đơn giản Du ca đường phố không ồn ào như những lễ hội đường phố khác, mà chỉ là cùng hát cho nhau nghe và đàn lên những giai điệu hoàn toàn ngẫu hứng. Nhưng sự kiện này đã tạo nên sự gần gũi, gắn kết các bạn trẻ, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều người xem từ cụ già, trẻ nhỏ đến ngay cả những vị khách từ phương trời Tây cũng bị cuốn hút vào sự kiện này.
 

Giới trẻ Hà thành đắm mình trong những giai điệu ngẫu hứng của Du ca đường phố

 

Vào chiều chủ nhật hàng tuần, ngay tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội), không sân khấu, không hệ thống âm thanh ánh sáng, buổi biểu diễn âm nhạc đường phố thật sự được hàng trăm bạn trẻ thể hiện với tên gọi Du ca đường phố. Họ cùng quây quần với nhau, cùng đàn cùng hát bằng chính giọng hát thật của mình với hợp tấu của hàng chục cây ghi-ta, trống cajon và kèn harmonica.

Đến giờ du ca bắt đầu từ 15h, không ai bảo ai, thành viên trong nhóm cùng chơi những bản nhạc yêu thích. Người đến sau ôm đàn vào nhập cuộc tự nhiên. Người đi đường nghe tiếng đàn hát tò mò vào xem, thấy hay hay lại hát cùng. Và cứ thế hết bài này rồi bài khác đến tối mới về, nếu ai đói có đồ ăn nhẹ mang theo để lấy lại sức đàn hát tiếp.

Không chỉ dành cho các bạn biết đàn biết hát, mà Du ca đường phố còn khiến nhiều bạn mê tít dù chỉ đến để nghe và hát cùng mọi người, cùng hòa mình vào dòng chảy âm nhạc mang đậm chất du ca.

Bạn Hoàng Anh (SV- Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tâm sự: “Mình chỉ biết tỉa một vài bài đơn giản, song đam mê duy nhất kéo mình đến với du ca là được nghe mọi người đàn, được hát cùng mọi người. Được thấy mọi người cháy hết mình với tiếng đàn, chợt nhận ra ghi-ta có sức mạnh đến thế. Kết nối những trái tim, kết nối những con người xa lạ. Mình thích cái cảm giác lạ lùng khi hát cùng mọi người trong chiều mưa ấy, những con người xa lạ nhưng chỉ cần nhìn vào mắt nhau lại thấy gần gũi vô cùng. Được nghe ghi-ta là sở thích và ham muốn của mình, nên dù ko biết đàn nhưng mình mong sẽ được du ca cùng mọi người nhiều hơn nữa”.

Theo anh Hiếu, người sáng lập Du ca đường phố cho rằng, quan trọng nhất của Du ca là tinh thần, bởi vì nếu bạn muốn nghe một bản nhạc hay nào đấy thì có thể bật đĩa ngồi ở nhà, song nếu các bạn ra ngoài đường các bạn có thể cùng chơi các bản nhạc yêu thích và truyền tinh thần cho tất cả mọi người. Hơn nữa qua đây các bạn có thể tìm được những người bạn có cùng đam mê sở thích với mình.

Là một bạn trẻ đam mê và bị hút hồn bởi sự kiện này, bạn Đặng Đức Hiếu, sinh viên ĐH Bách khoa HN lại có cảm nhận của riêng mình: “Khi gặp những người có cùng sở thích âm nhạc với mình là một điều rất tuyệt vời, khi được chơi đàn cùng mọi người lại rất nhiều các bạn và mọi người cổ vũ thì đó là niềm vui và hạnh phúc rất lớn đối với mình”.

 

Cháy hết mình cùng lời ca, giai điệu

Du ca đường phố còn có cả một diễn đàn để các bạn trẻ đam mê học đàn có thể truy cập vào học online dưới dạng các bài giảng là các đoạn clip. Bạn nào chưa biết đánh đàn thì tại các buổi offline có thể nhờ các thành viên khác cho mượn và dạy những bài học cơ bản đầu tiên. Chính điều này cũng khiến Du ca đường phố ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia.

 

 


Địa điểm ưa thích của nhóm Du ca là bên bờ Hồ Gươm ngay cạnh cây lộc vừng chín gốc. Vào đúng ngày chủ nhật nên sự kiện này cũng thu hút được nhiều người qua đường hơn, có những người không chỉ chăm chú lắng nghe mà còn mượn luôn đàn của nhóm để chơi thử. Đôi khi còn có sự tham gia của các nghệ sĩ du ca đường phố, trong đó có nghệ sỹ violon Tạ Trí Hải đã tạo nên cho không khí Du ca thêm sôi động. Bình thường mỗi buổi biểu diễn thu hút từ 200 đến 300 người tham gia, mọi người đã tham gia là cháy hết mình. Người ngồi, người đứng, người quỳ cùng với đủ các loại đàn to nhỏ, đủ màu sắc khác nhau cùng quây quần vỗ tay theo điệu nhạc, nghêu ngao cùng hát mặc cho thời tiết giá lạnh.

Nghệ sĩ violon đường phố Tạ Trí Hải không chỉ biết tiếng Anh mà còn biết cả tiếng Pháp, cụ cũng biết nhiều ca khúc nước ngoài nổi tiếng. Tiếng đàn hát của cụ không chỉ níu chân những người Việt Nam mà còn gây xúc động, xao xuyến đối với những vị khách nước ngoài khi có dịp thăm Thủ đô. Nghệ sĩ Tạ Trí Hải, "nghệ sĩ lãng du", "người hát du ca", hay "ông Hải"...  chính là những cái tên thân thuộc mà mọi người đặt cho cụ. Nhiều em nhỏ còn gọi cụ là "ông nội". Cụ Hải cho biết: "Được vui vẻ đàn hát cùng với các cháu là tôi thấy cuộc đời rất tươi đẹp, có ý nghĩa. Mỗi lần như thế, tôi như trẻ lại và khỏe ra ấy chứ".

Dù vô tình hay hữu ý những bạn trẻ đến tham dự một lần cùng với Du ca đường phố thì sẽ khó mà dứt ra được và để lại những ấn tượng tốt đẹp. Bạn Mai Liên (ĐH Thăng Long) chia sẻ niềm vui: “Mình muốn thường xuyên tham gia vào câu lạc bộ, và cùng các bạn đến với những chương trình âm nhạc như Du ca đường phố. Mỗi lần tham gia hát hò cùng các bạn khiến mình thoải mái hơn, bớt căng thẳng rất nhiều sau mỗi tuần học hành vất vả, hơn nữa còn được giao lưu và làm quen với nhiều bạn mới”.

Cùng bị hút hồn bởi nghệ thuật âm nhạc đường phố này, bạn Quang Trung (ĐH Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy) chia sẻ: “Tham gia Du ca thành quen, hôm nào phải trực ở trường thì thấy bứt rứt, khó chịu, có những tuần chỉ tranh thủ được mấy tiếng ra ngoài, mình đi luôn lên bờ Hồ, chơi được vài bài rồi lại phải về để kịp điểm danh”.  
 

Sống lại một thời hào hùng từ Du ca đường phố

Du ca đường phố không chỉ thể hiện những ca khúc điệu nhạc ngẫu hứng theo sở thích mà còn đáp ứng sở nguyện đáng trân trọng của những vị khán giả qua đường. Theo bạn Lan Phương (ĐH Công Nghiệp HN) cho biết, có lần một bác Việt kiều lớn tuổi đề nghị cả nhóm hát tặng bác bài Nhớ mùa thu Hà Nội bởi bác đã xa Hà Nội lâu lên rất muốn nghe những bài hát về Hà Nội. Vui nhất vẫn là những lần hát nhạc tiền chiến, nhiều bác cao tuổi ngày xưa đi bộ đội đứng bắt nhịp, hòa tiếng hát cùng Du ca đường phố để được sống lại một thời máu lửa hào hùng một thời đã qua.

 

Theo Người đưa tin

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn