"Mong chờ bao lâu mới có con mà cuối cùng mình lại không giữ được rồi", chị Lưu nghẹn ngào nói. Chị được bác sĩ chẩn đoán là sẩy thai do ngộ độc một vị thuốc nào đó.
"Chẳng biết có phải vì thuốc hay không nhưng chắc lần sau mình cạch không dám dùng nữa", chị Lưu nói khi vẫn còn nằm trên giường chờ phục hồi sức khỏe.
Chị Lưu cho biết, ở làng chị, nhiều người có bầu thường tìm đến nhà một thầy lang trong vùng để cắt thuốc bắc về uống bồi bổ sức khỏe. "Các chị đã uống đều nói uống thuốc này rất tốt, mẹ mát da mát thịt, con cũng to khỏe hơn hẳn. Mình có bầu lần đầu, cũng muốn sinh con to khỏe nên làm theo, ai ngờ", chị Lưu bày tỏ.
Vừa gọi điện thông báo với mẹ là mình có thai, chị Ngọc (Đội Cấn, Hà Nội) cũng nhận được ngay một bịch thuốc bắc to đùng từ quê gửi xuống kèm lời nhắn nhủ: "Đây là thuốc dưỡng thai, con cố uống cho khỏe mẹ khỏe con".
Dù hơi lăn tăn nhưng được chồng động viên, lại sợ mẹ phật ý, chị Ngọc cũng cố uống, dù mỗi lần ngửi thấy mùi thuốc là chị lại buồn nôn. "Mẹ thì nói thuốc này tốt lắm, mẹ phải đi mấy chục cây số tới nhà thầy lang giỏi mới cắt được. Chồng thì ngày nào cũng hì hục đun, rót mang tới tận miệng cho vợ, mình không uống không được", chị Ngọc lý giải.
Thế nhưng, chưa thấy khỏe ra, càng uống chị Ngọc càng thấy mệt mỏi và không ăn được gì. Chồng chị cho rằng vợ nghén nên càng động viên chị uống thuốc để bồi bổ, dù mỗi lần uống xong là chị nôn thốc nôn tháo. Cuối tuần vừa rồi, vì không ăn được, lại nôn nhiều, chị Ngọc kiệt sức và phải vào viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ cho chị truyền nước, hồi sức và khuyên nên ngưng uống thuốc bắc. Vài hôm nay, chị Ngọc thấy người khỏe hơn sau khi làm theo lời khuyên này.
Bác sĩ khoa Phụ, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đang thăm khám cho một thai phụ có tiền sử sẩy thai. Ảnh: Minh Thùy. |
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết, bà từng gặp không ít trường hợp chị em dùng thuốc bắc mà bị dị ứng hoặc ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, kể cả khi có thai.
Theo bà, các loại thuốc tây thường được kiểm nghiệm rất kỹ trước khi được cấp phép sử dụng, đồng thời ghi rõ chỉ định, chống chỉ định, nhất là với phụ nữ có thai, trong khi các loại thuốc đông y chưa làm được điều này. Hơn nữa, trước đây, thuốc đông thường được bào chế từ các loại cây cỏ tự nhiên hoàn toàn, cho từng cá thể đơn lẻ, nên việc bảo quản không đáng ngại. Còn hiện nay, nhiều chị em có thai là tự mua thuốc về uống, có khi một thang thuốc đó dùng cho nhiều người khác nhau, nên có thể rước hại hơn lợi.
Bà cho rằng, việc sử dụng thuốc trong thời kỳ thai nghén cần hết sức thận trọng, kể cả với thuốc tây và đông y. "Dù sử dụng bất cứ loại thuốc nào cũng cần chỉ định của bác sĩ, dù là thuốc bổ", bà Dung nói.
Đồng quan điểm này, bác sĩ Đỗ Thanh Hà, trưởng khoa Phụ, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương (Hà Nội) cũng cho rằng, trừ các trường hợp có bệnh lý như nôn nghén quá nhiều, có tiền sử sảy thai, thai chết lưu, bị dọa xảy thai, ra máu... thì nên dùng thuốc đông y, còn bình thường, thai phụ không nên lạm dụng thuốc này.
Theo bà Hà, có thai là hiện tượng sinh lý bình thường, chứ không phải là bệnh lý nên không cần thiết phải dùng thuốc. Nếu chị em muốn bồi dưỡng thì nên bổ sung bằng chế độ ăn và sinh hoạt điều độ. Trong trường hợp bất thường cần uống thuốc đông y, chị em cũng cần đến cơ sở y tế được cấp phép để khám và kê đơn thuốc cẩn trọng, chứ không được tự tùy tiện mua về uống.
"Nhiều chị em mang thai có sức khỏe bình thường tới đây mua thuốc an thai về uống, chúng tôi cũng khuyên là không nên dùng", bà Hà nói.
Bác sĩ Thanh Hà giải thích, nhiều người nhầm tưởng thuốc đông y "lành" nên có thể yên tâm dùng vì nếu không bổ cũng không hại. Thực tế, loại thuốc này cũng có những tác dụng phụ, như gây đau bụng, đi ngoài hoặc gây dị ứng, nguy hiểm cho thai phụ, nhất là thuốc của các ông lang vườn hay những cơ sở y tế không được cấp phép.
Một điều đáng lo ngại nữa là, hiện nay, không ai quản lý được chất lượng đông dược trôi nổi ngoài thị trường, để đảm bảo rằng các loại thuốc này không bị nhiễm bẩn, độc trong quá trình bào chế, bảo quản. Điều đó rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, ngay cả những loại thuốc được bào chế theo quy trình nghiêm chặt, đảm bảo chất lượng trong các bệnh viện, cơ sở uy tín thì cũng có rất nhiều vị không được dùng cho phụ nữ mang thai vì có thể gây ngộ độc, sảy thai như các loại thuốc trục thủy, phá huyết... Đặc biệt, các thai phụ mắc bệnh tim mạch cũng không được sử dụng thuốc bắc, dù là thuốc bổ.
Theo bác sĩ, khi uống thuốc bắc, chị em cũng cần chú ý cách uống sao cho có lợi, nhất là những người nôn nghén nhiều: nên uống thuốc lúc còn ấm, chia làm nhiều lần, không uống lúc đói hay quá no mà uống cách xa bữa ăn...
Theo vnexpress.net