Theo thống kê, tại Hà Nội, ngay từ đầu tháng 1 đã có 113 trẻ mắc tay chân miệng, đến tháng 2 số ca mắc đã tăng gấp 3. Đặc biệt, trong 9 ngày đầu tháng 3 đã có thêm 160 trẻ mắc bệnh.
Phó giáo sư Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cuối năm ngoái dịch tay chân miệng có xu hướng dịu xuống, nhưng từ Tết đến nay bắt đầu xuất hiện nhiều ca mắc hơn. Đến thời điểm này, đã có 320 trẻ nhập viện. Bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận như: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định…
Một trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: N.P. |
Phần lớn trẻ có biểu hiện sốt, ăn uống kém, phân loại thuộc độ 2a. Trong đó, có một trường hợp nặng hơn thuộc độ 2b, chưa có ca nào tử vong, nhưng một số trẻ phải lọc máu để cứu sống.
Điều cần lưu ý là bệnh do nhiều tuýp virus gây ra, phần lớn trẻ có các dấu hiệu điển hình của bệnh đó là các tổn thương phỏng nước ở niêm mạc miệng, tay, chân, những trường hợp này dễ nhận diện. Tuy nhiên, có những trẻ bệnh có biểu hiện ở hệ tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, triệu chứng rất kín đáo nên khó phát hiện, phó giáo sư Thanh Hải khuyến cáo.
Chẳng hạn nếu trẻ nhiễm virus EV71 thì không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng ngay từ đầu, đến khi có các biểu hiện điển hình của bệnh thì đã muộn. Thậm chí có ca tử vong khi chưa có biểu hiện bệnh, mà phải nhờ xét nghiệm mới xác định được.
Thạc sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, khoa hiện điều trị cho một bé 11 tháng tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội mắc tay chân miệng nhưng thuộc nhóm có biểu hiện không điểu hình. Sau 3 ngày có biểu hiện sốt, giật mình, bé được cha mẹ đưa vào viện. Đến lúc này, tay, chân, miệng cháu mới có những nốt phỏng, kèm theo biểu hiện biến chứng ở não.
Cũng theo bác sĩ, chỉ khoảng 25-27% bệnh nhi tay chân miệng có tiếp xúc với nguồn bệnh trước đó, như có người nhà, trẻ cùng trường học, lớp học bị bệnh. Chẳng hạn tại Hải Phòng, cách đây vài tuần có 2 gia đình nhà cạnh nhau, một nhà có 3 trẻ, nhà khác có 4 trẻ thì tất cả các cháu đều mắc bệnh.
“Thế nhưng còn hơn 70% bệnh nhi không tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Vậy thì nguồn bệnh chính là người lớn đã làm cầu trung gian truyền bệnh từ trẻ này sang trẻ khác”, bác sĩ Thiện Hải nói.
Tay chân miệng là một trong những bệnh hay gặp ở trẻ nhưng không phải trường hợp nào cũng nhất thiết phải nhập viện. Đến 90% bệnh nhi đều có thể tự khỏi do diễn biến nhẹ, có sự chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý. Vì thế vấn đề là cần phát hiện sớm những trường hợp nặng để cho nhập viện và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Theo các chuyên gia, nếu trẻ sốt, xuất hiện nốt phỏng ở tay chân miệng thì các bà mẹ cũng chưa cần thiết đưa con nhập viện ngay mà cần theo dõi chặt chẽ. Bé dù sốt nhưng vẫn ăn, chơi ngoan thì không nên quá lo lắng, bởi như vậy trẻ có sức đề kháng, bệnh nhẹ sẽ tự khỏi. Nhưng nếu bé sốt cao trên 39-40 độ C, nôn mửa, tiêu chảy, ngủ kém, ngủ hay giật mình, mệt, chậm chạp thì cha mẹ cần đưa đến bệnh viện ngay. Đó có thể là những dấu hiệu bệnh của bé diễn biến nặng.
Hiện dịch tay chân miệng trên cả nước vẫn có diến biến phức tạp. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi phải luôn đảm bảo vấn đề vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn cho trẻ, sau khi đi vệ sinh, thay quần áo cho trẻ, sau khi trở về từ bệnh viện, đi đường về…
Theo vnexpress.net