"Bóng hồng" gánh vác gia đình

Thứ năm, 22/03/2012, 14:40
Từ hồi còn nhỏ anh Trung suốt ngày chỉ quanh quẩn chơi với mấy con gà chọi và chim kiểng. Đến nay cưới vợ và sinh con, anh vẫn quen thói ấy. Trong khi vợ tất bật làm việc từ sáng đến tối thì chồng tình nguyện ở nhà trông con.

Dù mang tiếng ở nhà trông con cho vợ đi làm nhưng anh chẳng biết làm gì, từ nấu bột đến cơm nước cho hai bố con đều do một tay chị dậy sớm nấu để dành trong tủ lạnh.

Tay chống cằm, chị Nga kể: "Mỗi lần vợ nhắc tìm việc gì đó làm, ảnh lại bảo không biết bắt đầu từ đâu. Hai vợ chồng có chút của hồi môn, bàn mang ra kinh doanh thì ảnh sợ bị lừa, trong khi đi làm xí nghiệp lại không thích vì mất tự do".

Làm công nhân một xí nghiệp giày da ở quận Thủ Đức, TP HCM, với mức lương hơn 2 triệu đồng một tháng, chị Nga cho biết, toàn bộ số tiền này được dùng vào việc chi tiêu chính trong gia đình, còn chồng lâu lâu bán được con gà đá thì lại để vốn đầu tư mua con khác. Vài tháng trước để có thêm thu nhập, chị phải làm tăng ca nhưng số tiền lương thêm vài trăm nghìn cũng chẳng thấm vào đâu.

Còn chị Hạ (26 tuổi, Đồng Nai) kể, hai năm trước nhờ mai mối mà tìm được "bến đỗ". Hai người chỉ kịp tìm hiểu nhau qua vài lần trò chuyện rồi cưới ngay. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì chị thất vọng khi nhận thấy anh chồng này "lười chảy thây", suốt ngày chỉ thích chơi điện tử và ngủ.

Từ khi lấy chồng về ngoài việc làm giờ hành chánh như trước, chị Hạ phải nhận thêm đồ về nhà may gia công để kiếm thêm thu nhập. Nỗi lo cơm áo gạo tiền cho gia đình khiến chị trông già và gầy sọp hẳn đi.

Đôi mắt thâm quầng chị Hạ kể, có lúc con đau ốm trong nhà không có đồng nào, đưa bé đi viện dành phải vay ông bà ngoại, vậy mà chồng vẫn tỉnh bơ coi như không. Cực chẳng đã, chị đành nhờ cha mẹ vào cuộc khuyên nhủ anh Trường chịu xin đi làm thợ hồ cùng nhóm thợ xây trong làng để phụ thu nhập trong gia đình.

"Phải năn nỉ mãi chủ thầu mới cho vào đội nhưng được vài tháng thì bị chủ đuổi vì bảo làm không được việc mà còn hay ngủ gật. Mà mỗi lần vợ góp ý, chồng lại nổi cáu, còn định đánh vợ nữa", chị Hạ thở dài tâm sự.

Yêu nhau từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, hồi ấy chị Thương thường tự hào ra mặt vì vẻ đẹp trai, lịch lãm và ga lăng của bạn trai.

Song từ hồi cưới nhau, chỉ sau một lần làm ăn thất bại, chồng chị Thương trở nên nhút nhát hẳn, suốt ngày chỉ bù khú với bạn bè mà không còn thiết tha tính chuyện công việc. Vợ là nhân viên văn phòng mỗi tháng được gần 7 triệu đồng chỉ đủ trang trải chi tiêu cơ bản trong gia đình, song chồng vẫn tuyên bố "từ nay ở nhà trông con cho vợ đi làm thôi, mọi sự đành trông nhờ vào vợ".

Chị Thương bảo, mỗi lần nhìn thấy chồng người khác lo toan cho gia đình mọi bề, chị lại tủi thân nhưng ngại nói chuyện thẳng thắn với chồng. "Sau vụ thất bại trước anh ấy cũng buồn nên tôi chẳng dám nói chỉ sợ tức nước vỡ bờ, không biết cứ phải chịu cảnh này đến bao giờ, rồi con cái lớn lên ai lo", chị lắc đầu ngao ngán.

Một bạn đọc cũng gửi thư về chuyên mục tâm sự của VnExpress.net, chia sẻ cảnh ngộ gia đình tương tự. Chị kể, từ ngày lấy chồng về, mọi chi tiêu sinh hoạt gia đình chị phải tự lo, từ tiền điện, nước, thậm chí đến tiền ăn của chồng.

"Thu nhập ở công ty và em làm thêm này nọ cũng được 8 đến 9 triệu đồng, đủ chi tiêu cho 2 vợ chồng nhưng em rất bức xúc. Chồng em lành lặn, tốt nghiệp đại học, nhưng lại không kiếm đủ tiền để nuôi bản thân dù năm nay đã 30 tuổi. Hôm nay em như giọt nước tràn ly, em đã xỉ vả về việc chồng không kiếm ra tiền, em đã đề nghị ly dị vì không chịu nổi, vừa stress công việc ở công ty lại phải kiềm tiền nuôi chồng. Nếu như phải ly dị em cũng xấu hổ, nhưng không thể chịu đựng được, hiện em rất ấm ức", nữ độc giả viết.

Xét trên thực tế, thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh cho rằng điều kiện kinh tế là trong những yếu tố quan trọng chi phối đến hạnh phúc gia đình.

Nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ trong thời gian về sống chung thường đối diện với những vấn đề khó khăn, trong đó có yếu tố kinh tế.

Trong khi quan niệm của người Việt Nam nói riêng, người Châu Á nói chung luôn nghĩ đàn ông phải là trụ cột gia đình, có nhiệm vụ mang lại nguồn thu nhập chính nuôi cả nhà. Chính vì suy nghĩ này mà nhiều người vợ thất vọng khi thấy chồng mình không được như những gì họ kỳ vọng.

"Điều quan trọng nhất là trong thời gian yêu nhau phải tìm hiểu thật kỹ. Khi biết được chồng tương lai của mình có những ưu và nhược điểm nào thì cần phải biết dự đoán năng lực của anh ta đến đâu để chuẩn bị tâm lý 'chấp nhận'. Có thể người chồng kiếm tiền không nhiều bằng vợ nhưng hãy tôn trọng và ghi nhận những đóng góp của anh ta. Sự coi thường, chỉ trích hay so sánh càng khiến người đàn ông dễ chán chường, buông xuôi", vị chuyên viên nói.

Theo bà Minh, tổ ấm gia đình (trong đó bao gồm cả vấn đề kinh tế) cần được xây dựng từ cả hai phía: vợ và chồng. Song trên thực tế việc một người đàn ông không biết lo toan công việc thường có hai trường hợp: một là anh ta quen sống cảnh sung túc nên có thái độ "vô tư" không biết lo toan; hai là ban đầu người chồng cũng thử làm ăn nhưng gặp thất bại mà không nhận được sự động viên khích lệ từ vợ mà trái lại người phụ nữ còn chì chiết, trách móc nên anh ta có xu hướng co rúm sợ sệt.

Vì thế vị chuyên viên tâm lý cho rằng, tùy vào trường hợp cụ thể mà có cách ứng xử khác nhau, song trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đòi hỏi người phụ nữ thật khéo léo trong cách cư xử. Người vợ thay vì trách móc, chê bai, xỉ vả chồng thì hãy tập khen ngợi, động viên họ; hoặc những lúc "cơm lành canh ngọt" nên gợi ý với chồng về những dự tính công việc thì sẽ dễ thành công hơn.

Bà Minh nhấn mạnh, bản tính người đàn ông thường vô tư hơn phụ nữ trong những công việc gia đình nên cũng cần phải được "huấn luyện" để thích nghi. Vì thế chị em nên sử dụng thế mạnh của mình là sự khéo léo, dịu dàng để thuyết phục chồng. "Ông bà ta vẫn bảo khéo bán khéo mua thua người khéo nói, sự dịu dàng mới chính là 'ngón nghề' lợi hại nhất của phái yếu", bà Minh đúc kết.

Theo vnexpress.net

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn