Bãi đậu xe ngầm tại TP.HCM: Vướng giá và phí

Thứ sáu, 06/04/2012, 15:15
Kế hoạch khởi công hai bãi đậu xe ngầm trong năm 2012 của TP.HCM có thể phải lùi lại khi chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan chưa có chung tiếng nói.

Các tin khác

>> Nhức nhối điểm giữ xe tại Tp. Hồ Chí Minh
>> TP.HCM điều chỉnh mức phí giữ xe
>> TP HCM sẽ mổ xẻ việc bãi giữ xe lấn lòng đường, vỉa hè
>> Bớt nhà cao tầng, tăng bãi giữ xe


Chưa định được giá thuê đất

Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (Indochina Group), chủ đầu tư Dự án Bãi đậu xe ngầm Sân khấu Trống Đồng và Sân vận động Hoa Lư cho biết, tính từ thời điểm công ty bắt đầu nghiên cứu dự án đầu tiên cho đến nay là gần 7 năm, nhưng vẫn chưa thể khởi công dự án nào.

Nguyên nhân là do, hiện Bộ Xây dựng chưa quy định định mức giá cho tầng hầm công cộng và nhiều tiêu chí liên quan, như tỷ lệ diện tích sử dụng trên tổng diện tích của trung tâm thương mại, chi phí đền bù tháo dỡ…, nên Sở Tài chính TP.HCM không có cơ sở để tính toán giá thuê đất.




Mức phí trông ô tô tại TP.HCM thấp khiến các nhà đầu tư không
mặn mà đầu tư bãi gửi xe ngầm


Mới đây, theo yêu cầu của UBND TP.HCM, chủ đầu tư đã dùng mức giá tạm tính để tính đơn giá thuê đất, sẽ trình Sở Tài chính làm cơ sở ký hợp đồng thuê đất cho dự án. Sau này, khi đơn giá thuê đất được chính thức ban hành, TP.HCM và chủ đầu tư sẽ tính toán lại phần chênh lệch.

“Do yêu cầu công nghệ đặc biệt, nên chi phí thi công công trình ngầm đắt gấp 4 - 5 lần so với công trình nổi, chưa tính đến những rủi ro có khả năng xảy ra trong quá trình thi công. Công ty đề nghị tính đơn giá thuê đất theo bảng giá đất hàng năm của UBND TP.HCM”, bà Quỳnh nói.

Hơn thế, vào thời điểm này, việc huy động vốn đầu tư cho Dự án đang gặp khó khi dự án bãi xe ngầm (có trung tâm thương mại) bị xếp chung nhóm kinh doanh bất động sản với mức rủi ro bị đánh giá cao nhất, lên đến 300%. “Vào năm 2007-2008, Công ty huy động được vốn từ 3 ngân hàng và 1 quỹ tài chính với lãi suất lúc đó là 12%/năm, thời gian hoàn vốn dự kiến là 14 năm 8 tháng.

Nhưng hiện tại, một quỹ đầu tư tài chính còn trả lời bằng văn bản cho chúng tôi là, đầu tư bãi đậu xe là không có hiệu quả. Vì vậy, kiến nghị UBND TP.HCM nên có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét dự án bãi đậu xe không thuộc dự án bất động sản để mở lối cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án”, bà Quỳnh đề nghị.

Còn ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS), chủ đầu tư Dự án Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám cho biết, Dự án được làm theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nên được miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, để được miễn, IUS cũng phải giải trình 25 lần, sau đó vẫn phải tiến hành một bước rất... thừa là thẩm định giá thuê đất phần được miễn theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Giữ xe theo giá thị trường

Ông Lê Tuấn nhận định, mức phí giữ xe quá thấp đang là khó khăn khiến nhà đầu tư ngại bỏ vốn vào dự án bãi đậu xe.

Theo phân tích của ông Tuấn, Nhà nước thu tiền giữ ô tô 5.000 - 10.000 đồng/xe trên cơ sở hạ tầng có sẵn và được đầu tư từ trước bằng tiền thuế của người dân. Trong khi đó, nhà đầu tư phải bỏ tiền xây dựng toàn bộ hạ tầng với chi phí đắt gấp 5 – 6 lần so với xây dựng trên mặt đất (bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám có tổng mức đầu tư khoảng 110 triệu USD), thì việc áp cùng mức phí trông giữ xe như trên sẽ gây khó cho nhà đầu tư.

Theo tính toán của IUS, chi phí xây dựng mỗi mét vuông bãi đậu xe ngầm tốn khoảng 2.000 USD, mỗi chiếc ô tô chiếm diện tích từ 22 - 25 m2, tính sơ bộ, một suất đầu tư cho ô tô ngốn hết 50.000 USD.

“Nếu áp mức giá giữ xe theo quy định của Nhà nước hiện nay thì phải sau 120 năm, IUS mới có thể hoàn vốn được cho Dự án”, ông Lê Tuấn khẳng định và đề nghị UBND TP.HCM hỗ trợ 3% phần lãi suất trên 70% số vốn mà IUS vay để đầu tư dự án (Quyết định 83 của UBND TP.HCM)

Đồng nhất với quan điểm của IUS, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh cho rằng, giá giữ xe tại TP.HCM đã lạc hậu hơn cả so với Hà Nội. “UBND TP. Hà Nội đã quy định lại giá giữ xe mới từ ngày 1/1/2012, điều này khuyến khích nhà đầu tư. Còn tại TP.HCM, dù quy định mức phí đậu xe ô tô 5.000 đồng/xe, nhưng trên thực tế rất khó gửi được xe với đúng mức giá này. Tại sao lại duy trì mức phí “ảo” để ép doanh nghiệp”, bà Quỳnh đặt câu hỏi.

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn