Để hạn chế tối đa tác động sau quyết định tăng giá bán lẻ xăng, dầu của Liên Bộ Tài chính – Công thương ngày 20/4, sinh viên không ai bảo ai cùng nhau thực hành phương châm “tiết kiệm bằng mọi giá”. Vậy là đủ mọi biện pháp tiết kiệm được sinh viên đưa ra ứng dụng.
Xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của các bạn sinh viên đi xe máy. Vì thế nhóm đối tượng này chọn cách “càng đi ít càng tốt”.
Hải Yến, sinh viên năm cuối, ngành Luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội chia sẻ bí quyết tiết kiệm xăng: “Ngày trước thỉnh thoảng mình còn đi xe máy “lượn lờ” ngoài phố, giờ xăng lại tăng giá thì chỉ đi học mới dùng xe. Mình đang trọ ở Trần Duy Hưng nhưng lại làm thêm ở khu phố cổ nên đang tính chuyển nhà trọ. Nếu không thì tình trạng đường xa – xăng tăng giá thì chưa giữa tháng đã “cháy túi”.
Sau đợt tăng giá xăng, dầu này, các chủ xe khách cũng sẽ đồng loạt tăng giá vé. Vì vậy, nhiều bạn sinh viên tỉnh lẻ quyết định hạn chế về quê. Liên, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Từ giờ có khi mình phải hạn chế về quê. Nhà mình ở Hưng Yên nên hầu như tuần nào mình cũng bắt xe về. Cả tiền vé và xe ôm cũng phải tốn gần 100.000 đồng cả đi lẫn về. Lại còn chưa kể “chi phí phát sinh” như tiền uống nước, mua quà…”.
Để bố mẹ ở quê bớt vất vả, nhiều bạn sinh viên không xin thêm tiền mà động viên nhau tiết kiệm. Tiền ăn, tiền tiêu vặt được cắt giảm tối đa. Máy vi tính cũng hạn chế sử dụng.
Vân, sinh viên Đại học Thương mại chia sẻ: “Bọn mình hàng tuần đều đi chợ đầu mối Dịch Vọng để mua thức ăn cho rẻ. Mỗi tuần chỉ ăn một đến hai bữa thịt, còn chủ yếu ăn đậu, lạc, trứng. Đến luộc rau mình không cho nhiều nước để tiết kiệm gas… Tóm lại là tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”.
Hệ lụy của việc tăng giá xăng dầu khiến cuộc sống của sinh viên thêm vất vả. Nhưng cuộc sống là vậy, luôn luôn biến động và đặt ra nhiều thách thức buộc chúng ta phải tìm cách thích ứng.