Người phụ nữ tốt đến mức… không ai tin nổi

Thứ năm, 26/04/2012, 17:11
Hàng chục năm nay, soer Xuân chăm sóc những bệnh nhân phong ở trại phong Quả Cảm (Hòa Long – TP Bắc Ninh) như người thân của mình, bất kể những ghê sợ thông thường ở một con người thông thường.

Các tin khác:

>> Hàng ngàn nhân viên VietinBank hiến máu nhân đạo
>> Phẫu thuật nhân đạo cho 30 trẻ khuyết tật
>> Hàng trăm sinh viên háo hức hiến máu nhân đạo
 

Gian nan như người tốt đòi vào làm trong… “trại hủi”
 

Soer Xuân bên các bệnh nhân

Y tá Nguyễn Thị Xuân hay sơ Xuân (theo cách gọi của nhiều bệnh nhân ở đây, vì bà theo đạo Thiên Chúa) là chị cả trong một gia đình có 5 anh chị em ở Đại Xuân, Quế Võ, Bắc Ninh. Ngay từ nhỏ đã vướng vào cảnh mồ côi cha, mẹ thì ốm yếu, vậy là cô phải cáng đáng tất cả công việc trong nhà, chăm mẹ, nuôi các em khôn lớn trưởng thành. Là một cô giáo xinh đẹp, nết na lại đảm đang tháo vát nên ngày ấy nhiều người trong thôn thầm bảo nhau, phúc cho nhà ai lấy được cô Xuân về làm dâu.

Vậy mà, cô đã làm một việc khiến cả làng phải bất ngờ. Sau khi dựng vợ gả chồng cho tất cả các em, người con gái ngoan hiền ấy không những không gật đầu ưng thuận với bất kỳ chàng trai nào, mà đã bỏ lại tất cả mọi thứ, bước qua những lời dị nghị, đàm tiếu để lặn lội tìm đến trại phong để cống hiến nốt tương lai của mình cho những con người bất hạnh vì bệnh tật.

Tuy thành tâm là thế nhưng lúc đó không ai có thể nghĩ rằng lại có người… tốt đến mức như vậy. Nhất là lúc đó, cô còn rất trẻ, công việc cũng tạm ổn, lại có biết bao người con trai theo đuổi. Người thì bảo là cô gàn dở, có người độc miệng nói cô bị trúng tà. Ông nội cô đã gần 80 tuổi siết chặt tay đứa cháu gái vừa khóc vừa mếu “Gia đình có đối xử tệ bạc với cháu đâu mà cháu phải tìm đường lên trại hủi”. Ngay cả những cán bộ của trại lúc đó cũng “dè dặt” đối với cô. Người ta không tin nổi một cô gái trẻ đẹp như vậy lại bỏ tất cả để tình nguyện làm bạn với những người đã bị cả xã hội kỳ thị.

Ông Nguyễn Duy Chương, là Chủ tịch hội bệnh nhân hồi đó còn gặp riêng cô để “chất vấn”: "Ai điều cô vào đây? Vào có mục đích gì ?"

Trước những câu hỏi, những lời dị nghị đó, không còn biết phải giải thích như thế nào, cô rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Trại phong nghi ngờ, không tiếp nhận, gia đình, người thân thì phản đối kịch liệt.

Nhưng rồi tất cả mọi người đã buộc phải tặc lưỡi, cúi đầu khi thấy cô hành động một cách “gàn dở” suốt nhiều năm ròng. Cứ 5h sáng dù ngày mưa bão hay rét buốt vẫn đạp xe 15km đường đến để lau khô những bàn tay thối cụt, những bàn chân đang bị bệnh ăn dần, rồi đút từng thìa cơm thìa canh cho những con người có tay mà không thể cầm nắm, có chân mà không thể đi, có trái tim mà không biết chia sẻ cùng ai.

Trước tình cảnh khốn khổ của bệnh nhân, cô càng tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa, làm ngày làm đêm hơn nữa. Chỉ có buổi trưa, tranh thủ lúc bệnh nhân ngủ cô mới mang cơm nắm và muối đem từ nhà ra ăn lót dạ. Nhiều lúc mệt quá thì tựa ngay vào thành cửa chợp mắt vài phút. Hỏi về những cảm xúc lúc đó, bà Xuân tâm sự: “Nói thật, lúc đầu tiếp xúc với bệnh nhân phong, mùi tanh hôi của thịt đang rữa thối khiến tôi phải chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo. Nhưng nhìn những ánh mắt cô độc buồn thảm đến thê lương của các cụ trong trại phong, tôi có thêm dũng cảm để bắt tay vào làm việc”.

Sau một quá trình thử việc nhọc nhằn dưới sự nghi ngờ của tất cả mọi người, năm 1988, cô được Giám đốc bệnh viện cử vào Quy Nhơn để học làm y tá. Cô vui mừng lắm. Thế nhưng sau một năm học tập chăm chỉ trở về, cô vẫn chưa được nhận chính thức. Người ta lại tiếp tục bắt cô “thử việc” gần một năm nữa. Lúc đó, cô đã nghĩ mình sẽ không được nhận vào làm ở trại. Vậy là cô vừa làm ở Trại phong Quả Cảm, vừa đi tìm đến với nhiều trại phong khác ở miền Bắc để mong muốn giúp đỡ thật nhiều cho người bệnh phong. Trong gần một năm, cô đã đi tới 11 trại phong, làm rất nhiều việc có ý nghĩa dành cho bệnh nhân phong. Để rồi mãi đến tận cuối năm 1990, cô mới được Ban giám đốc Trại phong Quả Cảm gọi về, ký hợp đồng. Tới lúc đó, cô mới chính thức trở thành một y tá của những bệnh nhân phong trong niềm vui khôn xiết của mình.

Bà tiên trả lại cơ thể cho những mảnh đời khuyết thiếu

Tiếp xúc với bệnh nhân nhiều bà thấu hiểu suy nghĩ của họ. Bà từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân có thức ăn ở trước mặt mà loay hoay mãi không thể đưa vào miệng. Họ hất tung thức ăn đi vì tức tối với chính bản thân mình. Nhiều người cả đời “cột” chặt bên chiếc giường bởi chân tay của họ đã bị “con hủi” ăn mòn từ khi còn bé. Họ cố với ra ngoài rồi bị ngã bổ nhào ra nhà mà không làm cách nào về được chỗ cũ. Những ánh mắt cô độc khô héo vì tủi thân như những nhát dao cứa vào trái tim bà. Làm thế nào để họ có thể dạo chơi ở vườn, có thể tự xúc cơm canh, có thể đan lát, trồng hoa…? Làm gì để xóa đi nỗi mặc cảm cố hữu?

Chính điều đó đã giúp bà lặn lội vào tận Bến Sắn (TP Hồ Chí Minh) để học cách làm chân tay giả. Về đến trại, bà xin kinh phí, mở một xưởng nhỏ ngay tại trong trại phong chuyên sản xuất chân tay giả cho người bệnh. Có một điều đặc biệt ở xưởng giày dép này đó là không thể sản xuất đại trà. Bởi mỗi người bệnh bị “con hủi” phá hủy theo một cách khác nhau, có những đôi chân không còn ngón chỉ trùng trục một cục thịt, có những bàn chân bị ăn vẹt phần gót trong khi đó các ngón chân vẫn còn, có đôi chân một bên bị vi rút ăn lẹm bên phải một bên ăn lẹm bên trái. Vì thế mỗi đôi dép có một kiểu dáng khác nhau.

Bà cũng sáng tạo ra nhiều dụng cụ đặc thù như cái bát, thìa có vòng kẹp vào cẳng tay phục vụ cho những bệnh nhân bị cụt tay… Sau khi có những dụng cụ do bà Xuân chế tạo ra, nhiều người đã có thể tự xúc thức ăn, tự uống nước và đi dạo thong thả. “Sơ Xuân đã sinh ra tôi thêm một lần nữa” đó là câu nói của nhiều bệnh nhân nơi đây như một lời cảm tại công đức lớn lao của bà.

Miệt mài chắp lại khiếm khuyết cơ thể cho những bệnh nhân xong, thế nhưng bà Xuân vẫn cảm thấy có điều gì đó khiến mình chưa an lòng. Anh Trần Đình Chất (Gia Bình, Bắc Ninh) kể: Cách đây khoảng chục năm, anh được lãnh đạo Trại phong Quả Cảm tạo điều kiện cho đi giao lưu với trại phong ở Sóc Sơn (Hà Nội). Bằng chút năng khiếu sẵn có của một người con của miền quan họ, anh tự tin lên sân khấu biểu diễn vài điệu dân ca đã nằm lòng từ thủa nhỏ. Nhưng anh cũng không ngờ là giọng hát của mình đã khiến cô gái Dương Thị Đoàn (người dân tộc Mường, quê Phú Thọ) một người cũng cảnh ngộ cảm mến. Biết được chuyện này, bà Xuân đã làm cầu nối, tạo điều kiện để cho hai người tìm hiểu nhau. Thế rồi không lâu sau đó thì hai người tổ chức đám cưới trong sự bất ngờ, vui mừng khôn xiết của tất cả mọi người trong trại.

Không riêng gì vợ chồng anh Chất, nếu cảm thấy những người nào có tình cảm với nhau nhưng còn ngần ngại vì mặc cảm bệnh tật, bà Xuân đều đến tìm gặp để sẻ chia kết nối, tạo điệu kiện để họ tìm hiểu nhau. Thậm chí bà còn tổ chức giao lưu với các trại khác để họ có cơ hội gặp gỡ và tìm sự đồng cảm. Chính từ những cố gắng bắt tất cả lòng nhân hậu yêu thương đó của bà, rất nhiều cặp đã tìm đến được với nhau. Trong các lễ cưới, người ta luôn thấy bà tất bật ngược xuôi lo cho hạnh phúc của cô dâu chú rể được trọn vẹn…

Cứ như thế bà Xuân thầm lặng vun vén cho từng mảnh đời nơi đây, chắp nối họ lại với nhau thành một đại gia đình mang tên “Quả Cảm”. Chính bà với tấm lòng và sự nhiệt huyết của mình đã cùng với những cán bộ trong trại trả lại cho họ những khuyết thiếu của cơ thể mà bệnh tật đã lấy đi. Cũng chính bà bằng sự hy sinh hết mình, sẻ chia ngọn lửa yêu thương đã sưởi ấm lại nhưng tâm hồn cô độc, những con người có những thời đã bị xã hội, kể cả họ hàng kỳ thị, kinh sợ…

Trước khi chia tay kết thúc chuyến thăm Trại phong Quả Cảm, tôi quyết định phải tìm lời giải đáp cho câu hỏi của mọi người về việc tại sao vì lý do gì ngày trước bà lại bỏ lại tất cả, quyết vào trại phong bằng mọi giá để được chăm sóc những bệnh nhân bị nhiều người xa lánh, kỳ thị.

Bà nhìn tôi cười hiền từ rồi chậm rãi kể: Ngày còn trẻ, trong một lần vào thăm cậu ở Di Linh(Lâm Đồng), tôi được đọc quyển sách “Lạc quan trên miền Thượng”. Quyển sách đó viết về một vị linh mục người Pháp sang Việt Nam đã từ chối cuộc sống hoa lệ ở các thành phố lớn, tìm vào rừng núi để vận động lập một trại nhỏ nuôi dưỡng và chữa trị cho bệnh nhân phong. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ: Người ta là người Pháp sang Việt Nam, người ta còn yêu thương dân tộc mình như vậy. Tại sao mình là người Việt Nam lại có thể yên lặng ngoảnh mặt, tại sao mình không đứng dậy hy sinh, san sẻ yêu thương cho nhau?

Theo cand

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn