>>Hàn Quốc bắt nhóm buôn lậu thuốc làm từ xác trẻ sơ sinh
>>Cây cối cũng có thể tình tự với nhau?
>>Người Hà Nội tìm "ốc đảo" né "chảo lửa" hơn 40 độ C
Bệnh tật hành hạ, thiếu thốn tình thương, tủi thân vô cùng, nhưng số phận không dìm nổi nỗi khát khao được sống và được hòa đồng với mọi người của em bé mới 6 tuổi này.
Nhưng có lẽ nỗi đau đỉnh điểm nhất của bé T là khi mới bắt đầu biết nhận thức đã phải đối mặt với những dị nghị của người đời. Khi theo chân bà ngoại đi bán vé số kiếm tiền mưu sinh, T bị người đời đặt cho cái tên: T "pê đê".
Bé T và bà ngoại tại bệnh viện
Gia cảnh éo le
Khi vừa sinh ra (năm 2006), bé Nguyễn Thị Thu T (theo tên khai sinh là giới nữ) ở phường Núi Sam, Thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang đã mang trong mình bệnh tim bẩm sinh nên bé rất yếu ớt.
Cả năm trời bé không tăng nổi 1kg trọng lượng cơ thể. Dần dần bé T bị suy dinh dưỡng nặng, chân tay teo tóp, người còm nhom, nhìn thoáng qua thì chỉ thấy da bọc xương. Năm nay T đã 6 tuổi nhưng nhìn bé chỉ bằng đứa trẻ 3 - 4 tuổi.
Điều khiến những người thân cũng như hàng xóm của T vô cùng ngạc nhiên là càng lớn, hình dáng và tính nết của T càng không giống một bé gái chút nào. "Khuôn mặt của cháu vuông dần, đôi lông mày chếch lên, rậm rì, trông khôi ngô và tuấn tú hệt đứa con trai", bà ngoại bé T cho biết.
Khi bé T được 17 tháng tuổi cũng là lúc gia đình ly tán. "Cha bé T ăn chơi cờ bạc đến nỗi mẹ nó (bé T - PV) không chịu nổi nên hai vợ chồng chia tay.
Khi ra đi, cha nó dẫn theo con trai lớn (anh của bé T - PV) bụ bẫm, khỏe mạnh. Còn bé T không được ngó ngàng tới chỉ vì cha bé cho rằng bệnh tim bẩm sinh của bé sẽ không sống nổi.
Hơn nữa, bấy lâu cha của T chỉ xem “trọng con trai". Dứt áo buông tay phủ nhận những gì là máu mủ, nghĩa tình, người đàn ông là trụ cột gia đình mà lại đi phân biệt đối xử với một đứa bé chính là con ruột của mình khi nó chưa đủ năng lực để hiểu biết khái niệm chính xác thế nào cha, là mẹ và thế nào là anh trai, thực sự là điều đáng trách.
Nếu như lúc đó bé T nhận thức được sự việc này thì ký ức tuổi thơ ấy chẳng phải là bi kịch đầu đời hay sao?", bà ngoại bé T ngậm ngùi, rớm nước mắt.
Cũng theo bà ngoại của bé T thì sau khi chia tay với chồng, mẹ bé phải bươn chải kiếm sống xa nhà vì gia cảnh khó khăn, thi thoảng mới về thăm con. Chưa hiểu được sự đổ vỡ, mất mát gia đình, bé T lớn lên trong vòng tay âu yếm của ông bà ngoại.
Năm 2008, được sự giúp đỡ của mạnh thường quân và bà con láng giềng mỗi người đùm bọc một chút, bé T được phẫu thuật tim tại Viện Tim TP.Hồ Chí Minh.
Năm 2009, ông ngoại bé T qua đời vì bị tai biến. Cảnh đời éo le, gian khó cứ chà đi sát lại trên cơ thể gầy gò ốm yếu của bé. Trước tình cảnh đóỏ, mẹ bé T bỏ việc trở về sống với hai bà cháu.
Nhưng được ít lâu mẹ bé lại đi bước nữa. Rồi đến khi không tìm được hạnh phúc nơi xứ người thì lại trở về mái tranh xưa với cái bụng sắp sinh. Sau khi sinh đứa con với "lần đò 2", vì không có khả năng nuôi nổi nên mẹ của T đành lòng mang đứa con còn đỏ hỏn cho người khác.
Mỗi tuần, T "pê đê" có hai ngày nghỉ để theo bà đi bán vé số ở chùa Bà, Núi Sam. Hai bà cháu nương tựa nhau sống qua ngày bằng những đồng tiền ít ỏi từ việc bán vé số dạo vì lúc này mẹ T đã đi làm công nhân ở Bình Dương.
Chính bà ngoại một tay chăm sóc bé T khôn lớn, sớm thuê xe ôm đưa cháu đi học, chiều thuê xe ôm đón cháu về. Muốn đi bán vé số cũng phải thuê xe ôm chở ra chùa Bà và khi về thì xe đến đón vì quen mối. Khi T ốm đau, bệnh tật, một tay bà ngoại lo hết. Nhiều bữa chỉ có cháo loãng nhưng cuộc sống của hai bà cháu vẫn vui vẻ, ấm áp.
Bé T đã ổn định sau khi phẫu thuật
Giấc mơ thành hiện thực
Hơn 6 năm qua, bé T được người thân nuôi nấng, chăm sóc như một bé gái: Đeo hoa tai, chơi búp bê, mặc váy... Tuy nhiên, càng lớn hình dáng và tính cách của bé càng bộc lộ những đặc điểm về giới tính nam.
Khi vào học lớp 1, các bạn cùng lớp chẳng mấy người muốn chơi với bé. Nhiều bạn đã hỏi thẳng T: "Bạn là con trai, sao đi tiểu lại ngồi? ". T cúi mặt buồn tủi, không biết trả lời bạn thế nào. "Có lần T tan học, T ào vào lòng bà khóc nức nở: "ước gì con được đi khám bệnh. ước gì các bạn và mọi người đừng gọi con với cái tên T pê đê".
Ước mơ của bé T có hy vọng trở thành hiện thực khi một ngày tháng 10/2011, một nhà báo tình cờ phát hiện ra T trong chuyến đi công tác. Anh nhà báo đã làm cầu nối để bé T được tiếp cận với các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh.
Sau khi có kết quả xét nghiệm phân tích nhiễm sắc thể (Karyotype) bé T được chẩn đoán chính xác là mắc tật lỗ tiểu thấp thể bìu. T có dương vật cong nặng, có hai tinh hoàn, kèm theo chuyển vị dương vật bìu (dương vật nằm thấp hơn bìu).
Dị tật này do bất thường trong quá trình hình thành niệu đạo và bộ phận sinh dục. Tật lỗ tiểu thấp của bé T quá nặng nên bé đi tiểu ngồi. Theo đó, xác định T là con trai 100%. Trường hợp của bé T phải phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh hệ lụy về sau.
Anh nhà báo sung sướng ôm T vào lòng, đôi dòng nước mắt lăn dài trên gò má. Anh cuống quýt gọi điện báo tin mừng cho bà ngoại bé. "Lúc ấy tôi sung sướng và hạnh phúc vô cùng. Tôi như không tin vào tai mình. Gia đình tôi mang ơn anh nhà báo ấy nhiều lắm", bà ngoại bé T tâm sự.
Chấm dứt sự lầm tưởng
Theo PGS. TS. Lê Tấn Sơn, trưởng khoa niệu bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. HCM, "Những trường hợp mắc tật lỗ tiểu thấp như bé T thường phải phẫu thuật ít nhất hai lần (mỗi lần cách nhau 6 tháng) nếu không có biến chứng".
Cuối năm 2011, bé T được đưa lên khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM phẫu thuật lần 1, làm thẳng dương vật vì thương tổn ban đầu có dương vật cong nặng xuống bám sát vào bìu.
Giữa tháng 4/2012 vừa qua, bé T được phẫu thuật lần 2 để tạo hình niệu đạo, đưa lỗ tiểu lên đỉnh quy đầu. Theo y văn thế giới, lần phẫu thuật này tỉ lệ biến chứng là 20-40% do niệu đạo làm mới quá dài.
Sau phẫu thuật, bé sẽ có bộ phận sinh dục gần như bình thường. Nếu hai tinh hoàn hoạt động tốt thì khi trưởng thành bé vẫn có thể trở thành người đàn ông và người cha.
Hiện tại sức khỏe của bé T đã ổn định và đang được điều trị ở phòng số 4, khoa niệu, bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. HCM và dự kiến tuần đầu tháng 5/2012 bé sẽ được xuất viện.
Anh nhà báo và bà ngoại T là hai người trực tiếp chăm sóc bé trong suốt thời gian phẫu thuật. Bây giờ, bé T gọi anh nhà báo là cha, có lẽ T cảm nhận được tình thương yêu vô bờ của người đàn ông xa lạ và bé đã coi đó là người cha.
Thực tế, bé luôn khát khao có được một người cha luôn yêu thương và che chở. Mỗi lần chứng kiến điều đó, bà ngoại của T lại sụt sùi nước mắt. Bà luôn nhắc đi nhắc lại: "Sự thật mà như mơ, T ơi, đã qua rồi sự lầm tưởng chết người...".
Theo Người đưa tin