Báo Giáo dục Việt Nam vừa nhận được phản ánh của sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM về việc trường áp dụng hình thức phạt sinh viên bị phạt số tiền gấp đôi và phải học lại môn học đóng học phí muộn đó.
Phạt tiền gấp đôi vì đóng học phí muộn
Trong lá thư gửi đến tòa soạn một bạn độc giả viết: “Kính gửi quý báo tôi đang là sinh viên của ĐH Công Nghiệp TPHCM. Hiện nay theo như tôi biết sinh viên trường tôi đang rất bức xúc về vấn đề "phạt tiền" của nhà trường dành cho sinh viên đóng học phí trễ. Nhà trường phạt chúng tôi bằng hình thức CẤM THI VÀ BUỘC ĐÓNG TIỀN 2 LẦN/1 MÔN ĐÓNG TIỀN TRỄ. Chúng tôi đã làm đơn khiếu nại lên nhưng nhà trường không giải quyết. Phải nói rõ rằng chúng tôi đã đóng tiền lần 1 nhưng vẫn bị cấm thi và phải đóng tiền lại lần 2.
Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Nếu tình trạng này vẫn kéo dài tôi tin những sinh viên nghèo sẽ không còn đường đi học. Kính mong quý báo có thể giúp chúng tôi, những sinh viên nghèo đang tuyệt vọng và không biết phải kêu cứu ai”.
Sinh viên này cho biết trong học kì 3 năm học 2011 – 2012, sinh viên bỗng nhận được thông báo “Những học phần sinh viên đã đăng ký mà không đóng học phí sau khi đã hết hạn đóng phí lần thì phải nhận điểm N* (nợ) học phần đó. Sinh viên muốn đăng ký học lại học phần này sinh viên phải đóng học phí cho cả lần đăng ký trước”.
Như vậy, sinh viên đóng học phí chậm một môn nào coi như bị trượt môn học đó. Sinh viên chỉ được đăng kí học lại vào học kì sau khi đã đóng học phí gấp đôi số tiền học phí bình thường quy định.
Mất tiền, mất thời gian và nguy cơ ra trường muộn
Các bạn sinh viên đã từng bức xúc trước việc ĐH FPT quy kết những trường hợp nộp chậm học phí vào diện tự ý nghỉ học và phải nộp 100 USD. Tuy nhiên, với trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hình phạt còn "tàn khốc" hơn rất nhiều, đó là sinh viên vừa phải đóng tiền gấp đôi, vừa phải chờ để học lại. Không ít bạn sinh viên lo lắng việc học phải học lại này sẽ khiến các bạn ra trường chậm hơn so với bình thường.
Một trường hợp rất dễ xảy ra đối với việc đào tạo theo tín chỉ là: môn học A có thể xuất hiện ở học kì 1 với nhiều lựa chọn, nhưng nếu không đăng kí được học kì 1, sang học kì 2 muốn học môn này, sinh viên phải phụ thuộc vào may rủi rất nhiều.
Nếu chẳng may môn học A bị trùng lịch với các môn học khác, hoặc nếu học kì 2 không có môn học A, thì sinh viên phải đợi đến học kì 3,4. Như vậy nguy cơ ra trường muộn với hình thức đào tạo tín chỉ khi sinh viên không học theo đúng lịch trình đào tạo là rất cao.
Sinh viên này bức xúc: “Bọn em học theo hình thức tín chỉ phải tự đăng kí môn học của mình. Do nhiều nguyên nhân mà chúng em gặp phải khi đăng kí môn học, nên thời gian để đóng học phí cũng bị xáo trộn. Nhưng khi chúng em đã đóng học phí xong xuôi rồi thì vẫn nhận được thông báo không được học môn học này và phải đăng kí học kì sau, đồng thời vẫn phải đóng tiền môn học này một lần nữa. Điều này thật là vô lí. Hoặc là phạt tiền hoặc là phạt không cho học thôi chứ, đằng này nhà trường lại vừa thu tiền phạt, vừa không cho thi thì làm cho bọn em thấy thất vọng vô cùng.”
Trung bình một học kì mỗi sinh viên được đăng kí từ 10 đến 20 tín chỉ, học phí trên một tín chỉ là 245.000 đồng. Nếu như một bạn sinh viên bị lỡ đóng học phí chậm 20 tín chỉ thì số tiền không hề nhỏ lên tới 4.900.000 đồng/20 tín chỉ.
Theo như phản ánh của bạn sinh viên trên: “Lớp em có rất nhiều bạn bị chậm một vài môn. Em bị chậm mất hai môn, 4 tín chỉ là 980.000 đồng. Bạn của em bị chậm 11 tín chỉ là 2.695.000 đồng. Số tiền ấy không hề nhỏ với những sinh viên phải xin từng đồng của ba mẹ để đi học như chúng em”.