Cứu sống bé sinh non 1,7 kg dị tật ống tiêu hóa

Chủ nhật, 27/05/2012, 16:44
Cháu bé Y Kim Hằng sinh non tại nhà, được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Kon Tum cấp cứu trong tình trạng sốt cao 2 ngày, tím tái khó thở, nôn ra dịch màu xanh rêu.

>>Cứ 10 trẻ ra đời có trên 1 trẻ sinh non
>>Bé sinh non dễ trở thành trẻ 'có vấn đề'


Cân nặng chỉ 1.700 gr, bé được bác sĩ chẩn đoán tắc tá tràng bẩm sinh lại bị viêm phổi nặng, tính mạng nguy kịch.

Sau khi điều trị cấp cứu, tình trạng viêm phổi nặng của cháu dần cải thiện. Khi sức khỏe đã trong tầm kiểm soát, bé được tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Kết quả siêu âm thể hiện: Dạ dày giãn to, sa thấp, đáy dạ xuống qua rốn bên phải, dạ dày nhiều dịch... Chẩn đoán bé bị tắc ống tiêu hóa đoạn tá tràng, các bác sĩ phải phẫu thuật khẩn cấp.

7 ngày sau bé đã tự thở và tự bú mẹ. Sáng nay, 27/5, cháu bé xuất viện, mẹ bé là chị Y Kuưnh nghẹn ngào khi nói lời cảm ơn bác sĩ.
 

Cháu Y Kim Hằng đã khỏe mạnh sau phẫu thuật tắc tá tràng bẩm sinh. Ảnh: Hồ Linh.

Cháu Y Kim Hằng đã khỏe mạnh sau phẫu thuật tắc tá tràng bẩm sinh
 

Đây là trường hợp thứ 2 tắc tá tràng bẩm sinh được Bệnh viện đa khoa Kon Tum điều trị thành công. Trước đây với những bệnh nhân tương tự, bệnh viện phải chuyển về TP. HCM điều trị.

Theo Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa Kon Tum, Bác sĩ Hồ Ngọc Linh, tắc tá tràng bẩm sinh là sự bít tắc hoàn toàn hoặc một phần tá tràng, nguyên nhân do màng ngăn teo, rối loạn ruột… Tỷ lệ tắc tá tràng rất hiếm, từ 5.000 đến 10.000 trẻ sơ sinh mới có một ca. Trẻ bị tắc tá tràng nguy cơ cao mắc các dị tật kết hợp như hội chứng Down, tim bẩm sinh, teo thực quản, dị tật đường tiết niệu…

Dị tật tắc tá tràng bẩm sinh có thể được chẩn đoán nhờ siêu âm trước sinh vào 3 tháng cuối thai kỳ. Chẩn đoán sớm, các bà mẹ có thể chuẩn bị tâm lý để tiến hành phẫu thuật ngay cho bé sau khi chào đời, tránh cho trẻ bị rối loạn nước và điện giải do nôn nhiều, mắc bệnh viêm phổi… có thể dẫn tới tử vong.
 

Hình ảnh siêu âm chẩn đoán bé bị dị tật ống tiêu hóa, tắc tá tràng. Ảnh: Hồ Linh.

Hình ảnh siêu âm chẩn đoán bé bị dị tật ống tiêu hóa, tắc tá tràng
 

Cùng với tiến bộ của khoa học, tỷ lệ trẻ tử vong do tắc tá tràng bẩm sinh đã giảm từ mức 45% năm 1977 xuống còn 7% năm 1993, và 4% năm 1998 theo số liệu Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội.

Với những trẻ bị bệnh tắc tá tràng bẩm sinh, việc phẫu thuật điều trị phụ thuộc vào vị trí và nguyên nhân gây tắc. Vì vậy, nếu trẻ có biểu hiện nôn ói sau sinh, cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu trẻ đến trước 48 giờ khi chưa có rối loạn kiềm toan, nước và điện giải thì việc điều trị sẽ thành công hơn.
 

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn