Xin nhập viện tâm thần vì... sợ thi

Thứ sáu, 01/06/2012, 17:16
Sắp đến kỳ thi tốt nghiệp, cháu học kém nên có ý định trốn thi bằng cách giả vờ tâm thần để không phải học, không phải thi và không phải chịu áp lực từ phía gia đình.

>>Hà Nội: Nữ sinh lớp 10 tâm thần vì bị ép học
>>Đồng Nai: Một gia đình có 3 người mắc bệnh tâm thần
>>Cuồng mua sắm-dấu hiệu tâm thần

Không điên... nhập viện tâm thần

Đó là trường hợp của những học sinh trốn học, giả vờ điên để không phải học, không phải thi cử.

Trường hợp em X tại Hà Nội giả vờ điên, X có biểu hiện y hệt như người mắc bệnh tâm thần thực sự. X luôn miệng nói bị đau đầu, ôm đầu cả ngày và thỉnh thoảng ngồi thơ thẩn, la hét, đập phá. Gia đình lo lắng, đưa X đi đi khám tại viện tâm thần phát hiện X đang giả vờ để lừa gia đình.

Chị M mẹ của X cho hay: “Sắp đến kỳ thi tốt nghiệp, mà cháu học kém nên có ý định trốn thi bằng cách giả vờ tâm thần để không phải học, không phải thi và không phải chịu áp lực phải đỗ tốt nghiệp từ phía gia đình".

Giống như X, khoảng một tuần trước kỳ thi T luôn tỏ ra bướng bỉnh, đập phá đồ đạc, nói chuyện luyên thuyên. Khi gặp người lạ T. lại chửi bậy, đuổi đánh. Sau khi nhập viện, bác sĩ thăm khám, phát hiện T cũng đang giả vờ tâm thần.

Lý giải điều này, BS CKII. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Loạn thần cấp, Viện Sức khỏe tâm thần cho hay: "Do áp lực thi cử nên có nhiều cháu giả vờ tâm thần để trốn học, trốn thi. Những trường hợp này sau khi khám tổng thể, các kết quả đều cho thấy các em hoàn toàn khỏe mạnh, không hề mắc bệnh rối loạn tâm thần hay rối loạn trầm cảm".
 

Do áp lực thi cử nên có nhiều học sinh giả vờ tâm thần để trốn học, trốn thi
 

Nhập viện tâm thần…vì học

Sợ đến trường, sợ học, sợ gặp gỡ mọi người, sợ giao tiếp, tinh thần hoảng loạn, liên tục cho mình là người kém cỏi là trường hợp của cháu H, 17 tuổi ngụ tại HY.

H luôn bị ám ảnh bởi kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Em luôn trong tâm trạng lo lắng trong khi anh, chị đều đạt thủ khoa ở những trường đại học có tiếng trên địa bàn Hà Nội. H lo lắng, không ăn uống, lúc nào cũng vã mồ hôi, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh thực vật, gầy xanh.

Vì áp lực học hành, lúc nào em cũng tự nhốt mình trong phòng để học và học. Và rồi, em nằm lả trên đống sách vở, không nói chẳng rằng, người đờ đẫn, mơ màng. Được gia đình cho đi khám, các bác sĩ kết luận em đã mắc bệnh rối loạn tâm thần và phải nằm viện điều trị lâu dài.
 

Mỗi mùa thi, tại viện Sức khỏe tâm thần lại có hàng chục em nhập viện
(Ảnh minh họa)

 

Cho đến giờ, chỉ còn hai ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra mà sức khỏe của H vẫn không khá lên là mấy. Gương mặt tội nghiệp, đôi mắt chứa đựng những hoài bão vẫn nhìn xa xăm.

Em L, 15 tuổi quê ở Lạng Sơn được mẹ dắt đi dạo dọc hành lang của bệnh viện với những bước chân chậm rãi, đều đều, yếu ớt. Em đeo cặp kính cận, đôi mắt lúc nào cũng nheo khi nhìn những người xung quanh.

Chia sẻ với chúng tôi, chị N mẹ L buồn bã nói: “Cháu thông minh, nhanh nhẹn, học hành luôn đứng ở top đầu lớp. Năm nay cháu không nằm trong top đầu của lớp nên cháu luôn buồn bã, sống thu mình, không giao tiếp, chỉ nằm khóc, thấy bất thường , tôi cho cháu đi khám được bác sĩ kết luận cháu có dấu hiệu của rối loạn trầm cảm và phải điều trị".

Theo BS Nguyễn Văn Dũng, trường hợp của cháu H, cháu L không phải là cá biệt. Tại viện Sức khỏe tâm thần, mùa thi năm nào cũng có hơn chục trường hợp nhập viện điều trị. Lý do lớn nhất đó là áp lực học hành, đỗ đạt từ phía gia đình và bản thân các em.

Tự sát.. vì học

Đó là trường hợp của em D, sống tại Hà Nội. Sức học của em kém, khi vào phòng thi hốt hoảng, sợ hãi, chạy vụt ra ngoài và đi ra sông Hồng tự tử. May mắn được phát kịp thời nên em giữ lại được mạng sống. Tuy nhiên, D phải nhập viện tâm thần để điều trị.

Trường hợp em B ở N.A, 17 tuổi theo mẹ hàng nghìn cây số để chữa trị bệnh hoang tưởng. B học nhiều quá, lúc nào cũng cho mình là thần thánh, là siêu nhân, hơn hẳn những người khác.

Lúc nào em cũng cho mình thông thạo những kiến thức uyên thâm. Em luôn thấy tiếng nói của người lạ rỉ tai xui khiến. Đến một ngày em nghe “người lạ” xui không học nữa, lấy lưỡi lam cắt tay tự sát thì gia đình mới phát hiện em bị hoang tưởng.
 

Nhiều học sinh tìm đến cái chết vì áp lực học hành (Ảnh minh họa)
 

Theo BS Dũng, để cải thiện tình trạng này ở học sinh cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Cả gia đình và nhà trường phải động viên các em, không tạo áp lực quá lớn, không nên đưa ra những quy định quá ngặt nghèo không cần thiết …

Là bác sĩ điều trị trực tiếp cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh mắc bệnh tâm thần, BS Dũng khuyên, các em trước khi vào phòng thi hãy vững tâm, chỉ nên coi thi cử là những bài kiểm tra nhỏ.

Các em nên nghỉ ngơi và ôn bài theo thời khóa biểu thật khoa học. Đảm bảo ăn, ngủ đúng giờ, thể dục thể thao nhẹ nhàng. Phụ huynh thường xuyên thăm hỏi động viên con cái, kích thích con học theo bản năng chứ không tạo sức ép cho con.

 

Theo Khampha

Các tin cũ hơn