>>Chuyện của người đàn bà ngàn tỉ
>>Vụ tranh chấp 1.000 tỉ: Tài sản về tay con gái nuôi
Nhà tâm lý - luật sư Võ Thị Minh Huệ ở TP HCM, cho rằng từ xưa đến nay ở Việt Nam, nhiều người, nhất là phụ nữ thường có thói quen làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm, tằn tiện để tích góp của cải cho con cháu. Trên thực tế một số trường hợp, sau khi các cụ qua đời, con cháu mới phát hiện những hũ vàng, bạc chôn dưới chân giường, ngoài vườn...
Cũng theo bà Huệ, vấn đề tồn tại hiện nay người Việt Nam vẫn chưa có thói quen làm di chúc, một phần do chủ quan, một phần do lo sợ sẽ bị con cháu hắt hủi nếu làm thủ tục cho tặng khi còn sống hoặc sợ mất lòng mọi người...
Một trong những mặt bằng cho thuê tại quận Tân Phú thuộc sở hữu của bà Phấn.
"Đối với phụ nữ không có gia đình, các nhu cầu tiêu xài cũng ít nên họ dễ dàng tích góp hơn. Tuy nhiên khi họ qua đời đột ngột không để lại di chúc thì dễ xảy ra tranh chấp giữa những người liên quan", bà Huệ nhìn nhận.
Chuyên gia tâm lý này dẫn câu chuyện về người đàn bà độc thân 66 tuổi đột ngột qua đời để lại khối tài sản ước trị giá cả nghìn tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận cả tuần nay. Bà cụ Phấn, thường gọi là Năm, không có chồng, sống với một người phụ nữ và cô giúp việc trong căn nhà ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP HCM. Bà nhận nuôi một người con gái, năm nay đã 25 tuổi.
Qua đời hồi đầu tháng 2/2011, bà không để lại di chúc nên khối tài sản khổng lồ của bà đang vướng vào khả năng tranh chấp quyền thừa kế giữa con gái nuôi và họ hàng, bởi gia tộc cho rằng trong đó có sự đóng góp của anh em bà con từ nước ngoài.
Em trai út bà Phấn kể, sự ra đi đột ngột của chị ông để lại nỗi đau lớn cho gia đình. Trước đây khi chưa phát hiện ra khối tài sản khổng lồ trong két sắt, mọi người trong gia tộc họ Thạch này sống với nhau rất hòa thuận. Song hơn một năm nay do tranh chấp tài sản mà anh em con cháu không còn nhìn mặt nhau nữa. Còn cô con gái nuôi vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ việc.
Khối tài sản của bà Phấn khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện tương tự về bà Phạm Thị Hiền, 82 tuổi ở Đà Lạt, đột tử tại bệnh viện khi trong người có rất nhiều vàng mà không di chúc. Bệnh viện phải nhờ chính quyền lập biên bản và quản lý số tài sản gồm nhiều lắc, nhẫn, dây chuyền, kim cương, bông tai cẩm thạch, 2 sổ tiết kiệm trị giá 350 triệu đồng; 2 giấy chứng nhận giữ hộ 233,8 chỉ vàng tại ngân hàng cùng trên 19 triệu đồng tiền mặt, 50 lượng vàng...
Hàng xóm nói rằng từ khi bà cụ về đây sống không thấy làm bất cứ nghề gì. Bà Hiền góa chồng, có một cô con nuôi đang sống ở Mỹ và người em ở Hà Nội. Cách sinh hoạt thường ngày của cụ không thể hiện là một người giàu có, cuộc sống rất khép kín, ít tiếp xúc với bà con lối xóm. Chỉ đến khi bà qua đời, dân khu phố mới biết người phụ nữ sống một mình trong ngôi nhà nhỏ cuối con hẻm sâu ở Đà Lạt sở hữu khối tài sản lớn.
Em của bà Hiền sau này cho biết, đây là những tài sản bà gom góp được lúc còn trẻ và cất giữ cẩn thận để phòng thân cho tuổi già cô đơn. Trường hợp này không phát sinh tranh chấp thừa kế tài sản, vì em gái người chủ tài sản cho biết sẽ chuyển lại toàn bộ tiền, vàng cho con nuôi chị mình.
Vị chuyên viên tâm lý khuyên, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra sau này về việc tranh chấp tài sản, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến vấn đề lập di chúc ngay khi còn minh mẫn. Việc chia gia tài cũng cần thể hiện sự khách quan, sòng phẳng không vì ghét hay thương mà thiên vị người nào hơn.
"Các cụ không nên lo lắng làm mất lòng hay bị con cháu hắt hủi vì trong bản di chúc đều thể hiện tiêu chí văn bản chỉ có hiệu lực khi người lập đã qua đời. Hãy tìm đến văn phòng luật sư để nhờ họ tư vấn những vấn đề pháp lý và điều khoản ràng buộc trong bản di chúc hoặc hợp đồng trao tặng", bà Huệ nhìn nhận.
Xét góc độ khác, ông Nguyễn Trung Nguyên, chuyên viên tâm lý trị liệu người lớn và trẻ em, Viện Nghiên cứu tâm lý học thực hành nhìn nhận, chọn cách sống tằn tiện, tích cóp là tùy thuộc vào tính cách và là quyền của mỗi người. Quan trọng là trong quá trình tư vấn, ông từng chứng kiến nhiều trường hợp người thân quay lưng lại với nhau chỉ vì không thống nhất được vấn đề chia gia tài.
Vì thế theo ông Nguyên, thay vì trở mặt, người thân của bà Phấn nên ngồi lại cùng nhau để tìm hướng giải quyết ổn thỏa về việc sử dụng khối tài sản sao cho hợp với nguyện vọng của bà lúc sinh thời.
"Quyền sở hữu tài sản thuộc về ai đã có tòa án phán quyết. Tuy nhiên chắc chắn bà Phấn không mong nhìn thấy cảnh người thân kéo nhau ra tòa rồi quay lưng lại với nhau. Theo tôi gia đình có thể thống nhất với nhau trích một phần tài sản ấy ủng hộ tổ chức từ thiện hoặc lập quỹ học bổng mang tên bà do người trong gia đình quản lý", ông Nguyên nói.
Theo Vnexpress