Hà Nội không thể đổ riệt cho hạ tầng giao thông bất cập được nữa, khi mà có người nước ngoài đã xuống đường ngăn chặn, yêu cầu những người tùy tiện chen lấn phải đi đúng làn đường. Chúng ta chưa tìm được lối thoát cho giao thông của thủ đô vì không tự nhìn vào ý thức của chính chúng ta.
Sự việc xảy ra mới đây ở một ngã ba trung tâm thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đã được Camera VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam ghi lại đầy đủ. Nhiều người xấu hổ khi xem những cảnh ấy.
Xấu hổ vì những người sinh sống ở thủ đô thanh lịch mà quá thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Xấu hổ vì đó là công việc của mình mà lại để người bạn nước ngoài bức xúc phải ra tay. Và, lẽ ra cơ quan chức năng cũng nên thấy xấu hổ, vì lúc ấy là giờ cao điểm mà chẳng thấy bóng dáng người thực thi công vụ nào.
Nhưng trước tiên xin bàn về ý thức cộng đồng. Văn hóa giao thông là biểu hiện rõ ràng nhất, trực tiếp nhất của ý thức cộng đồng, yêu cầu mỗi người trước hết phải tự giác tuân thủ luật lệ. Nếu sự tùy tiện chen lấn, nếu những sai lệch của từng cá nhân khi tham gia giao thông cứ lặp đi lặp lại thì lâu dần sẽ trở thành thói quen.
Biết là sai, là xấu, nhưng vì số đông như vậy không được chấn chỉnh kịp thời và kiên quyết nên những cái sai xấu ấy có tính lây nhiễm cao. Nguy hại nhất là giới trẻ tưởng thế là hay, nên chẳng những sẵn sàng bắt chước mà còn “sáng tạo” thêm để nổi bật hơn.
Hình ảnh ông tây điều tiết giao thông tại Hà Nội
Xem lại những gì diễn ra có thể thấy rõ điều này. Một số người lớn tuổi khi được nhắc nhở thì nhận ra sai phạm nên đã quay xe lại đi đúng làn đường. Nhưng không ít bạn trẻ biết là sai mà vẫn cố tình lách qua để chạy, còn rồ gas để thoát bằng được. Càng thêm ngượng khi mà xung quanh có nhiều người tò mò đứng xem và bình phẩm với thái độ coi việc làm của người bạn nước ngoài đó là hành động kì quặc.
Một cô gái trẻ hăng hái cùng chặn xe nhắc nhở, nhưng sau đó cũng thôi vì chẳng có thêm người nào hưởng ứng. Thế mới thấy, ý thức cộng đồng chỉ có thể được đề cao khi mỗi người còn chút liêm sỉ, còn biết xấu hổ. Đó là mức tối thiểu. Ở mức cao hơn, họ sẽ biết cách không để người khác phải ngượng vì mình.
Cũng có người nói rằng, vị khách nước ngoài làm việc đó là “diễn”, tương tự như trong tiểu phẩm “camera giấu kín” của một kênh truyền hình nào đó. Nhưng cứ cho là người bạn nước ngoài “diễn” thì những công dân thủ đô đi lấn vào làn đường ngược chiều vẫn là thật 100%. Mỗi chúng ta có cảm thấy ngượng trước người bạn nước ngoài ấy hay không?
Chúng ta cứ bàn đi bàn lại mãi mà chưa tìm được lối thoát cho giao thông của thủ đô, bởi chúng ta không tự nhìn vào ý thức của chính mình. Tất nhiên là có nhiều việc phải làm, nhưng nút thắt cần tháo gỡ trước tiên thì đã có người bạn nước ngoài mách nước cho Hà Nội rồi đấy!
Còn nhớ, Hà Nội từng làm thí điểm phân làn giao thông nhiều lần, được cả tài trợ và tư vấn của nước ngoài, nếu tổng hợp kinh phí lại cũng khá tốn kém, nhưng rồi đều “đánh trống bỏ dùi”. Sau những lần phát động ra quân rầm rộ thì mọi việc chìm đi trong muôn vàn sự lo toan khác.
Vậy nên, đã đến lúc cần đặt lại vấn đề. Nếu như việc tổ chức làm những con trạch, dải phân cách mềm, sơn kẻ vẽ và huy động lực lượng ra quân rầm rộ mà không có hiệu quả, thì chi bằng nên tính toán đầu tư cho truyền thông, đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát để xử phạt nghiêm minh. Bởi vì ý thức cộng đồng có được từ sự tự giác của từng cá nhân, nhưng quan trọng không kém là luật pháp phải được thực thi nghiêm và triệt để.
Người Việt Nam ra nước ngoài không mấy ai vi phạm luật giao thông hay môi trường đô thị, nhưng cứ về nước là thoải mái vi phạm. Đó là vì nước ngoài họ làm nghiêm, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất đích đáng; còn ở ta thì lúc làm lúc không, chỗ làm chỗ không, xử phạt cũng căn cứ vào quen biết nể nang cho qua, không ít trường hợp thỏa hiệp tiêu cực để trục lợi cá nhân khi thực thi công vụ... Không quyết tâm nhìn vào mình để tháo gỡ chỗ này thì đụng đâu sẽ còn vướng đấy.
Hà Nội nên cảm ơn người bạn nước ngoài đã giúp mình nhìn rõ thêm về cách tháo gỡ nút thắt trong vận hành giao thông đô thị.