Ngoài 85 tuổi, lết 2 chân giả xách nước tắm cho vợ

Thứ sáu, 06/07/2012, 09:41
Ông lão đã ngoài 85 tuổi, bị cụt cả 2 chân, hàng ngày phải lết ra ngoài giếng múc nước mang vào nhà tắm cho vợ bị tai biến vì không thể bế được bà ra giếng.
Đó là ông Phạm Ny, SN 1926, và bà Đỗ Thị Ny, SN 1927, trú tại thôn Trà Đức, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Họ đã chăm sóc nhau suốt 65 năm qua trong căn nhà hốc hếch, xộc xệch nơi xóm “nhà lá” vốn nổi tiếng là nghèo nhất nhì huyện.
 
“Chú thông cảm ngồi đỡ…”
 
“Kia kìa! Nhà anh tui đó. Các chú vào mà xem…” - bà Phạm Thị Huệ (80 tuổi, em ruột ông Ny) chỉ tay vào căn nhà rách nát trước mặt. 
 
Bà Huệ vừa đi vừa nói dằm chừng có vẻ ngần ngại: “Nhà anh tui tồi tàn và hôi hám lắm! Mấy chú vào xin đừng cười chê...”. 
 
Chúng tôi vào nhà, ông Ny lụi khụi đôi chân giả ra cửa đón khách.
 
Chục năm nay ông Phạm Ny có thể đi lại được trên đôi chân giả này

“Chú thông cảm ngồi đỡ…” - ông Ny vừa lấy khăn lau vội cái ghế gỗ bẩn vừa ríu rít mời khách.
 
Ngôi nhà không có cái gì gọi là đáng giá ngoài chiếc chõng gỗ ọp ẹp thi thoảng lại rung lên từng hồi bần bật và 2 cái ghế đẩu cũ nát đang chờ người đem quẳng đi.
 
Trong khi mời chúng tôi ngồi, ông Ny cũng tranh thủ cúi xuống gầm giường lọ mọ bưng bô nước tiểu của vợ đem đổ.
 
Hết ông rồi đến bà thay phiên… “nằm”
 
Cách đây 40 năm, khi ông Ny đang cuốc đất trong vườn thì cuốc phải mìn phát nổ bị cụt mất cả hai chân.
 
Từ đó, ông Ny nằm liệt giường không đi đâu được suốt gần 30 năm. Một thân bà Ny vừa tần tảo nuôi 3 đứa con thơ dại vừa phải gồng gánh chăm chồng bệnh tật. Chục năm trở lại đây, được sự trợ giúp của Hội từ thiện, chính quyền, ông được cấp bộ chân giả nên tự vận động đi lại.
 
Niềm vui ngắn chẳng được gang tay. Đến năm 2005 bà Ny bị tai biến mạch máu não. Bà chẳng còn biết gì, nằm bệt một chỗ, không cụ cựa. Lại đến lượt ông một mình lo cho bà từ giặt giũ quần áo đến ăn uống, thuốc thang, vệ sinh.
 
Lết xách nước tắm cho vợ
 
Đến giờ cháo, ông Ny tháo chân giả, loay xoay trên giường bón từng thìa cho bà với bao lời động viên ân tình. 
 
Hàng ngày  ông chăm sóc bà hết mình không nề hà gì

“Bả sống không ra sống, chết không ra chết. Thương bả lắm nhưng chẳng biết làm chi được hơn. Chỉ khổ những lúc tắm rửa không có ai đưa bả ra giếng. Cực chẳng đã phải lết ra tận giếng để xách từng gàu nước vào trong nhà tắm cho bả.
 
Bữa nào khỏe thì tắm bữa một. Bữa nào mệt, ốm thì 2-3 bữa mới tắm. Có bữa tôi bị cảm chục ngày thì bả cũng không được tắm chục ngày trời” - lấy chiếc khăn ấm cẩn trọng lau đôi tay gầy của vợ, ông Ny tâm sự.
 
“Ông Ny vừa nấu cơm vừa phải trông chừng bà Ny. Nhiều bữa đang dở nấu cơm thì nghe bà Ny rên la nhà trên, ông Ny phải “chạy” lên, rồi nghe mùi cơm khê phải lúi cúi “chạy” xuống bê nồi cơm. Nhiều phen chúi đầu vào bếp lửa than đỏ rực. Có lần lật đật bê nồi cơm xuống quên dùng kẹt giấy bị phỏng cả tay” - bà hàng xóm tên Nhung kể. 
 
Vừa đút cháo cho vợ, ông vừa nựng nịu yêu thương

Mấy năm trở lại đây, ông Ny lại mắc thêm căn bệnh hở van tim. Cơn đau hành hạ ông, chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Bệnh viện đã từ chối cứu chữa vì ông không có... tiền.
 
Về nhà, ông giao phó số phận cho trời. Nhiều khi đang giặt quần áo hay nấu bát canh thình lình ông ngã ngửa người bất tỉnh dưới đất. May mắn, bà con chòm xóm phát hiện kịp, hô hấp cho đến khi ông tỉnh dậy.
 
Cuộc sống của hai vợ chồng chỉ trông chờ vào tiền lương người cao tuổi hàng tháng (180.000 đồng/tháng/người). “Có bữa, được ai thương tình cho dăm ba chục, tui đem đi mua sữa và ít thịt nấu cháo cho bả ăn”, ông Ny cho biết. 
 
Ông Ny lo lắng rủi ông đi trước thì bà không có người chăm

Vừa chống tay lên tường và nhấc từng bước chân nặng nề, ông Ny lo lắng và trăn trở thốt không nên lời: “Tui không biết sống chết lúc nào cả. Tui chỉ lo cho bà nhà lỡ mai này tui chết ai sẽ lo cho bả đây. Tui sợ khi tui ra đi thì chừng dăm bữa sau bả cũng đi theo tui mất”.

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho hoàn cảnh ông Phạm Ny (86 tuổi) xin liên hệ theo địa chỉ: Phạm Ny, thôn Trà Đức, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hoặc Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức, địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng,
quận Đống Đa, Hà Nội. Số điện thoại: (04) 62.765.887

Theo Kienthuc

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn