Phạm Văn Quyết (Tuyên Quang) bị khuyết tật bẩm sinh, chỉ cao 1,1m, đi lại rất khó khăn nhưng không vì thế mà em nản lòng. Quyết có giấc mơ khác, giấc mơ được bay.
Gặp Quyết trong KTX Trường ĐH Văn hóa khi em vừa được chú đèo bằng xe máy 150 km từ Tuyên Quang xuống Hà Nội tham dự kỳ thi Đại học. Không quen phòng mới nên Quyết khó nghỉ trưa mặc dù vừa vượt qua một chặng đường dài, cũng đã thấm mệt. Quyết kể: "Khi hai chú cháu còn lang thang ngoài đường tìm nhà trọ, có mấy người "hét" giá 100.000 đồng đến 150.000 đồng/người/ngày. Giá đắt thế làm sao mà chú cháu em có tiền để trả. Cũng may là được sự giúp đỡ của đội sinh viên tình nguyện nên em được ở tại KTX với giá rẻ".
Nhà có hai anh em, em gái Quyết sinh năm 1995, cũng bị khuyết tật ở chân như Quyết. Ở nhà, hai anh em vẫn đảm nhiệm tất cả những việc mà một người bình thường có thể làm được như: nấu cơm, nuôi lợn, chăn gà... giúp bố mẹ.
Em Phạm Văn Quyết chỉ cao 1,1 mét với đôi bàn chân bị teo quắt, qua nhiều
lần phẫu thuật mới có thể đi lại được.
Quyết chỉ cao hơn 1,1 mét, đôi chân em teo quắt. Em đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy khắc nghiệt, nhiều khi chán nản. Sau khi mang nặng đẻ đau, nhìn con khuyết tật, mẹ Quyết đã khóc ròng ngày đêm vì lo và thương cho em. Không ngại khó khăn, gia đình Quyết đã đưa em đi khắp nơi để chạy chữa. Mới chỉ 8 tháng tuổi, Quyết đã phải đi phẫu thuật chân. Thế nhưng sau ca phẫu thuật, em vẫn không thể hồi phục được.
Những năm sau đó, người lớn đặt hai đầu gối Quyết lên hai chiếc ghế nhỏ, em cứ thế dùng lực mà lê. Những bước đi đầu tiên của em đã nặng nhọc và đau đớn như vậy. Thời gian ngồi lâu quá khiến hiện tại Quyết bị vẹo cột sống, thường xuyên nhức mỏi.
Nhìn thấy bạn bè chạy nhảy, tung tăng đến trường, Quyết không khỏi tủi thân. Tuy nhiên, Quyết là người vui vẻ, lạc quan, có chí nên ngay từ nhỏ em đã tự mình học đọc, học viết dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Cuối cùng, em cũng được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, Quyết luôn là học sinh khá, giỏi, ngoan ngoãn, được thầy cô, bạn bè tận tình giúp đỡ.
Quyết kể: "Năm học lớp 3, em lại phải tiếp tục đi phẫu thuật một lần nữa. Cảm giác đau còn kéo dài nhiều tháng sau đó, nhưng bù lại em có thể đi được, dù chỉ một đoạn đường ngắn. Có lẽ, suốt cuộc đời này em sẽ không bao giờ quên được cảm xúc lần đầu tiên được bước đi như vậy. Đó là một cảm xúc tuyệt vời, em cảm thấy dưới bàn chân mình, hoa lá như bừng nở, thơm ngào ngạt, như mình đang đi giữa thảo nguyên và dần bay lên".
Trường cấp II cách nhà 3km nên hàng ngày Quyết được bố mẹ đèo đi học. Đến năm học cấp III, quãng đường xa hơn, Quyết nhận được sự giúp đỡ người bạn thân, hiện đang học Đại học Thể dục Thể thao. Dù trời mưa hay nắng, đôi bạn không bao giờ nghỉ học, mỗi khi chân đau bạn lại cõng Quyết trên tấm lưng nhỏ bé của mình.
Thi ĐH cho tương lai bớt khổ
Năm 2011, Quyết dự thi Đại học khối A ngành Công nghệ Thông tin - Học viện Mở, nhưng do thiếu 0,5 điểm nên giấc mơ vào ĐH bị lùi lại. Sau khi trở về nhà, được rất nhiều các trường cao đẳng, trung cấp gọi đi học, nhưng em quyết tâm thi lại một năm nữa. Quyết tâm sự: "Học đại học là ước mơ lớn của em. Chỉ có như vậy mới khiến cuộc sống của em bớt khổ".
Năm nay, Quyết thi khoa Bảo hiểm, Trường ĐH Lao động và Xã hội. Chuyển từ khối A sang khối C nhưng Quyết không hề phân tán trong học tập. Quyết tâm sự: "Học khối C mới đúng là sở trường, sở thích của em. Năm ngoái em thi khối A chỉ bởi khối A có nhiều trường, nhiều sự lựa chọn cho em hơn mà thôi. Em đăng ký thi Bảo hiểm với hy vọng sẽ có được công việc phù hợp với khả năng, tự nuôi sống bản thân và giúp những người cùng cảnh ngộ".
Chỉ trước một ngày bước vào môn thi đầu tiên, Quyết không lo lắng, chia sẻ: “Thi đại học, đỗ hay không đỗ thì đều lo cả, nếu đỗ đại học không biết nhà em có nuôi nổi hay không, rồi sau này ra trường có xin được việc hay không nữa”.
Trước những nỗi lo của em Phạm Văn Quyết, tôi không khỏi xót xa về một cậu bé ham học hỏi nhưng sinh ra đã thiệt thòi. Tôi biết, Quyết rất ngại lên báo chí. Em tâm sự với tôi: “Khi nào em đỗ đại học thì lên báo sẽ vui hơn”.
Độc giả muốn giúp đỡ Quyết có thể liên hệ: Chú ruột của Quyết là Phạm Văn Yên hiện ở thôn Vinh Phú, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. SĐT 01662121998