Đồ ăn hè phố: Ngập tràn hóa chất độc hại

Thứ bảy, 03/11/2012, 17:10
Nhiều chủ hàng ngô luộc, vì chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, sẵn sàng dùng... hóa chất độc hại.
Dạo quanh các trường đại học lớn của Hà Nội vào các buổi tối, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc xe di động bán ngô luộc, khoai luộc, khoai nướng… Hàng được bày trên một chiếc xe đẩy loại nhỏ. Một bên là nồi ngô luộc bốc khói nghi ngút, một bên là bếp than nhỏ dùng để nướng khoai. Những ngày se lạnh của mùa đông, ngồi thưởng thức bắp ngô nóng hổi, thơm ngon, không chỉ là thú vui của những bạn trẻ mà còn của rất nhiều người.
 
bap.jpg - 27.63 KB

Anh Quân - chủ một quán ngô ở chợ Phùng Khoang cho biết, những tối đắt khách anh bán được cả trăm bắp, chưa kể bán khoai lang nướng. "Ở đây chủ yếu bán cho sinh viên. Họ đi chợ đêm mua đồ, đói bụng nên thường ghé vào ăn. Mỗi lần mua không nhiều nhưng lại có khách liên tục" - anh Quân chia sẻ. Anh cũng cho biết, vào mùa đông, anh đi bán suốt ngày nhưng chủ yếu tập trung bán vào buổi sáng sớm và buổi tối. Ban ngày bán được rất ít hàng.
 
Chu trình luộc ngô rất đơn giản. Thế nhưng, để làm ăn có lãi, người bán hàng phải có "mánh" riêng của mình sao cho ngô vừa ngon, ngọt lại vừa tiết kiệm được nhiên liệu. Muốn ngô ngọt hơn, những chủ hàng thường cho thêm vào nồi ngô một lượng đường hóa học nhất định. Điều này cả người bán và người mua đều biết rõ.

Một chủ quán ngô luộc ở đường Láng không hề giấu diếm mà cho chúng tôi biết là anh dùng thêm đường hoá học khi luộc ngô. "Nếu không cho đường hóa học thì ngô sẽ không được ngọt, người ăn thấy không ngon" - anh này cho biết.

 
Thế nhưng, khi được hỏi loại đường được sử dụng, anh này ngây thơ trả lời chúng tôi: "Đã là đường hóa học thì đường nào chả như nhau!". Thực tế, đường hóa học trên thị trường xuất hiện khá đa dạng về chủng loại, nhưng phổ biến nhất là những loại đường hóa học Trung Quốc sản xuất như Tang Jing, Bốn cây mía...

Các loại này giá rẻ nhưng độ ngọt rất cao. Chúng được bày bán rất nhiều ở chợ Đồng Xuân và chủ yếu được đổ sỉ cho những người có nhu cầu dùng nhiều và thường xuyên…

 
Nguy hiểm hơn, những sản phẩm này đều không có nhãn mác, địa chỉ cụ thể, không có tên đơn vị nhập khẩu. Bên ngoài bao bì toàn ghi bằng tiếng Trung.

Thậm chí, theo tìm hiểu của PV, những loại đường này không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế vì nó có hại cho sức khỏe của người dùng. Các công trình nghiên cứu đã cho thấy, chất sodium cyclamate - thành phần chính của đường hoá học, nếu dùng lâu dài trong cơ thể có thể gây ung thư gan và ảnh hưởng đến yếu tố di truyền. Nếu dùng với liều lượng lớn và liên tục thì có thể gây ngộ độc.

 
Khi trò chuyện, người chủ hàng này luôn miệng cam kết hàng của anh ta "đảm bảo an toàn". Nhưng theo quan sát của PV, nồi ngô được quây kín mít, chỉ để hở miệng nồi bé xíu với những bắp ngô luôn được ủ nóng. Màu nước ngô hanh vàng, hơi sánh, khác hẳn với nước ngô bình thường có màu vàng trong. Không ai đảm bảo cho những lời cam đoan này là đúng sự thật.
 
Theo tiết lộ của một chủ hàng, người bán còn cho cả pin vào trong nước để ngô luộc nhanh chín và mềm. Làm như vậy, người bán sẽ tiết kiệm được nguyên liệu trong khi ngô lại chín bùi. Tùy vào số lượng ngô luộc mà người bán sẽ định liều lượng cho phù hợp. Theo đánh giá của một giảng viên công nghệ thực phẩm, môi trường của pin có tính kiềm mạnh.

Trong môi trường này, tinh bột có khả năng hấp thu nước tốt hơn, nên ngô cũng nhanh chín hơn. Do vậy, người ăn sẽ thấy ngô mềm hơn và để được lâu hơn bình thường. Mặc dù vậy, theo lời giảng viên này, các chất có trong pin chủ yếu là kim loại nặng như chì, thủy ngân, camium và thạch tín...

Những chất này đặc biệt có hại đến sức khỏe của con người, đến sự phát triển của hệ thần kinh và các bộ phận khác của cơ thể. Dùng ở một liều lượng bất kì đều không nên.        

 
Luộc 200 bắp ngô ngon chỉ cần 2 muỗng muối diêm
 
Một tờ báo phía Nam vừa đăng tin, tại chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM), khi được hỏi mua loại hóa chất để luộc ngô nhanh mềm và lâu ôi thiu, người bán đã nhanh chóng đưa ra một bọc màu trắng không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nơi sản xuất và giới thiệu là muối diêm, giá 110.000 đồng/kg.

Đây là loại hoá chất độc hại. Những người luộc ngô đều dùng muối diêm để tiết kiệm thời gian, chỉ cần khoảng 2 muỗng cà phê cho một nồi 200 bắp. Muốn lâu thiu thì bí quyết là phải cho nhiều muối diêm vào, bán không hết hôm nay có thể để hôm sau hấp lại, trông vẫn tươi mới, thơm ngọt.   

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn