Bi hài chuyện chăm sóc người “điên” tại gia

Thứ bảy, 03/11/2012, 17:04
Thời hiện đại, chỉ cần bấm số điện thoại là ngay lập tức có điều dưỡng, y tá, bác sĩ đến tận nhà khám, chữa bệnh. Với dịch vụ này, nhiều gia đình có người bệnh tâm thần đã không còn phải "đau đầu" với việc chăm sóc người thân mà có thể phó thác toàn bộ cho "bác sĩ gia đình".
"Điên" lúc nào không hay
 
Đã không ít lần tiếp xúc với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhưng sau những lần gặp đó, trong tôi lại có một nỗi ám ảnh mơ hồ.

Bác sĩ La Đức Cương - giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương từng nói với tôi: "Với áp lực công việc hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể "điên", ngay cả tôi cũng như nhà báo có nguy cơ rơi vào một trong những mã bệnh tâm thần".

 
Bác sĩ Cương cho biết, nói đến bệnh tâm thần, phần lớn mọi người đều nghĩ đó là những người "điên, dở hơi". Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều người mắc nhưng chỉ biểu hiện ở dạng trầm cảm thể nhẹ, stress hay rối loạn cảm xúc.
 
Thực tế hiểu biết của người dân về sức khỏe tâm thần rất hạn chế, thậm chí sai lệch ngay cả trong đội ngũ những người làm công tác y tế. Nhiều người nghĩ, bệnh nhân tâm thần là những người đang nằm điều trị trong bệnh viện hoặc điều trị tại gia, phải luôn trông coi, chăm sóc, vì đó là nguồn "nguy hiểm" tiềm ẩn, có thể phát bất kỳ lúc nào, không thể đoán định trước được...

Tuy nhiên, những người "tâm thần" theo cách hiểu này chỉ chiếm một bộ phận nhỏ, là phần nổi của bệnh rối nhiễu tâm trí - khái niệm hiện đại của bệnh tâm thần.

 
Bác sĩ Cương cho biết, các nghiên cứu gần đây cho thấy, rối nhiễu tâm trí ở mức phổ biến. Thế nhưng, số người được chẩn đoán hoặc tự biết mình có bệnh tâm lý chỉ chiếm dưới 20%, còn lại không biết mình có bệnh. Vì không biết mình có bệnh nên nhiều người không được chăm sóc đầy đủ để tránh bệnh diễn biến xấu hơn.
 
Những bệnh nhân điều trị nội trú đa số là tình trạng bệnh nặng, đặc biệt là tâm thần phân liệt - rối loạn nặng tiến trình có thể trở thành mạn tính. Khi điều trị, khả năng tự phục vụ là không thể, vì vậy điều trị bệnh gây ra nhiều áp lực cho bác sĩ trong quá trình chăm sóc. Vì thế, để chia sẻ công việc chăm sóc với bác sĩ, với những trường hợp bệnh đã thuyên giảm, nhiều gia đình đã đón bệnh nhân về chăm sóc.
 
dien.jpg - 39.78 KB

Cận cảnh việc chăm sóc người bệnh thần kinh ở bệnh viện.

Theo chia sẻ của bác sĩ Cương, trong nhà có một người bệnh, đồng nghĩa với việc có ít nhất một thành viên phải nghỉ việc để chăm sóc. Nếu chỉ nghỉ vài ngày thì không sao, nhưng nếu bệnh kéo dài thì đây quả là vấn đề đau đầu của nhiều gia đình.

Từ nhu cầu này, ở thành thị đã hình thành  dịch vụ "chuyên trị" việc chăm sóc người bệnh, nhất là những người liệt, tâm thần, người già hóa lẫn.

 
Nỗi niềm những "hộ lý đặc biệt"
 
Theo tìm hiểu của PV, tại Hà Nội, TP.HCM, nhiều doanh nghiệp môi giới việc làm đã có hình thức môi giới người giúp việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Các lao động này hầu hết chưa được hướng nghiệp, chỉ làm theo kinh nghiệm bản thân. Đây là công việc đặc biệt, người lao động có thể bị mất việc bất cứ lúc nào khi không thể "chiều lòng" người bệnh.
 
Chị Nguyễn Thị Hiện (quê Phú Thọ), 42 tuổi nhưng đã ngót nghét 10 năm kinh nghiệm chăm sóc sóc người bệnh. Chị đã từng làm ôsin bệnh viện chăm sóc bệnh nhân tại viện theo yêu cầu của người nhà và gần đây nhất, chị đang làm "hộ lý" chăm sóc cho cụ ông 80 tuổi bị tâm thần phân liệt trên phố Bà Triệu (Hà Nội).
 
Chị Hiện kể rằng, chăm sóc bệnh nhân tâm thần phải thật nhẫn nại và chu đáo. Có nhiều hôm, chị Hiện bị cụ ông "tố" là không cho ăn và đòi đuổi việc chị. Nhưng, thực tế là vừa ăn xong cụ ông lại đòi ăn, khi mang đồ ăn tới thì không chịu ăn, cứ khăng khăng nói rằng trong cơm có thuốc độc.
 
Ban đầu, chị Hiện cũng bị các thành viên trong nhà nghi oan là... ăn vụng. Những lúc ấy, chị chỉ biết khóc thầm và đã không ít lần đòi về nhà. Nhưng về sau, người nhà cũng hiểu, năn nỉ chị ở lại giúp, chị cũng xuôi lòng, lâu dần thành thói quen chịu đựng. Chồng chị ở nhà cũng bệnh tật nhưng để kiếm tiền nuôi cả gia đình, nhất là cho con ăn học nên chị đành...
 
Chị Nguyễn Thị Bé (quê Nghệ An), hiện đang chăm sóc cho bệnh nhân 24 tuổi tên Tuấn ở phố Bạch Mai (Hà Nội) bị rối loạn nghiện chất. Chị Bé tâm sự, chăm sóc người tâm thần, nghiện chất phải rất nhẫn nại. Không chỉ "cơm bưng nước rót", đổ bô, tắm rửa cho người bệnh, chị còn thường xuyên bị "cậu ấm" chửi bới, xỉ vả.

Không những thế, nhiều khi chị Bé còn gặp nhiều phen hú vía khi "cậu ấm" lên "cơn vật" thuốc, tay lăm lăm cầm dao dọa giết người hoặc có khi đòi được... chết. Cha mẹ Tuấn suốt ngày mải miết với công việc kinh doanh, thường xuyên vắng nhà, vì thế những cơn thịnh nộ của Tuấn đều dồn hết lên chị.

 
Chị Bé nói: "Nghề này của chúng tôi nhiều khi cơm chan nước mắt. Tủi nhục lắm! Nhưng vì cảnh nghèo, không có trình độ nên đành chấp nhận". Chị Bé kể rằng, chị đã có kinh nghiệm chăm sóc người già nằm liệt một chỗ nên bây giờ cơ cực mấy cũng chịu đựng được.
 
Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích