Cử tri mong chống tham nhũng phải mạnh hơn nữa

Chủ nhật, 02/12/2012, 08:16
Ngày 1-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII; tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

>> Cử tri lo ngại lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức 
>> Cử tri Hà Nội kiến nghị sửa quy định phạt xe không chính chủ 
>> Cử tri bức xúc về chủ quyền biển đảo

Tại cuộc tiếp xúc, đa số ý kiến cử tri đều đánh giá cao kết quả kỳ họp vừa qua của Quốc hội, các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao tại các phiên chất vấn, vai trò giám sát của Quốc hội ngày càng  nâng cao.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các cử tri quận Ba Đình - Hà Nội. Ảnh: TTXVN


Cử tri mong muốn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những bộ phận có điều kiện để tham nhũng, trong đó cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu; đồng thời phải có những chế tài mạnh, xử lý thật nghiêm những hành vi tham nhũng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp chân thành, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng của cử tri, đề cập nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia, liên quan đến nhiều cơ chế chính sách, đến hoạt động của Quốc hội và cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư chỉ rõ Quốc hội cần tiếp tục cải tiến, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực hoạt động: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

Trước sự quan tâm của cử tri về tình trạng nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội đã được ban hành nhưng chậm triển khai trong cuộc sống do chưa có văn bản hướng dẫn, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Vừa qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng thể chế hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Trung ương nhưng việc thể chế hóa, cụ thể hóa không đơn giản; phải chuẩn bị kỹ, những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thống nhất cao thì mới đưa vào luật, có như vậy luật mới sớm đi vào cuộc sống.

Theo NLD

Các tin cũ hơn